Cố GS Phan Ngọc Liên: Người gieo hạt giống trí tuệ và nhân cách

Google News

Cố GS.TS. NGND Phan Ngọc Liên là tấm gương mẫu mực của người thầy Việt Nam, suốt đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục, để lại dấu ấn sâu sắc bởi trí tuệ, tâm huyết và nhân cách giản dị.

Người đặt nền móng cho ngành lý luận – phương pháp dạy học lịch sử
Khi nền giáo dục Việt Nam sau kháng chiến bước vào thời kỳ kiến thiết, việc giảng dạy lịch sử trong nhà trường phổ thông và đại học đứng trước thách thức lớn: làm sao để truyền tải một cách sinh động, khoa học và phù hợp với đặc điểm người học Việt Nam những nội dung lịch sử dân tộc và thế giới. Trong bối cảnh đó, cố GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên chính là một trong những người đầu tiên đặt nền móng lý luận cho ngành phương pháp giảng dạy lịch sử – một lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam thời bấy giờ.
Co GS Phan Ngoc Lien: Nguoi gieo hat giong tri tue va nhan cach
Cố GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên trong thời gian công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội
Không chỉ giảng dạy, ông trực tiếp biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu sư phạm cốt lõi cho các trường đào tạo giáo viên, góp phần định hình nội dung và phương pháp đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử. Những cuốn sách như Giáo trình phương pháp dạy học lịch sử, Một số vấn đề đổi mới dạy học lịch sử, các bộ tài liệu thực tập sư phạm… đã trở thành nền tảng cho việc huấn luyện hàng ngàn giáo viên lịch sử trên khắp cả nước.
Co GS Phan Ngoc Lien: Nguoi gieo hat giong tri tue va nhan cach-Hinh-2
Giáo trình phương pháp dạy học Lịch sử docố GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên làm chủ biên
Điểm đặc biệt trong học thuật của ông là sự kết hợp hài hòa giữa lý luận sư phạm hiện đại – vốn tiếp thu từ các trường đại học tiên tiến thời kỳ du học – với thực tiễn dạy học tại Việt Nam. Ông quan niệm, dạy học lịch sử không chỉ là truyền thụ tri thức, mà còn là hình thành tư duy phản biện, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc cho người học. Đó là lý do tại sao các bài giảng và tài liệu của ông luôn mang hơi thở cuộc sống, đặt con người vào trung tâm của lịch sử, hướng đến việc học lịch sử để hiểu hiện tại và định hình tương lai.
Nhờ tầm nhìn ấy, phương pháp dạy học lịch sử ở Việt Nam từ chỗ còn cứng nhắc, nặng tính ghi nhớ, dần được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Di sản lớn nhất mà ông để lại, không chỉ là hệ thống tài liệu, mà là cả một thế hệ giảng viên và giáo viên sư phạm tiếp nối tinh thần đổi mới, nhân bản và khoa học trong giáo dục lịch sử.
Người mở đường cho nghiên cứu Đông Nam Á ở Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam mới gia nhập ASEAN, khi nhận thức chung về khu vực Đông Nam Á còn mờ nhạt ngay cả trong giới học thuật, cố GS Phan Ngọc Liên đã tiên phong sáng lập Trung tâm Giảng dạy và Nghiên cứu về Đông Nam Á tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trường đại học Việt Nam chuyên sâu về khu vực này. Với tầm nhìn chiến lược, ông không chỉ khai phá một lĩnh vực nghiên cứu mới mà còn góp phần làm giàu thêm nội dung chương trình giảng dạy lịch sử Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực và thế giới.
Co GS Phan Ngoc Lien: Nguoi gieo hat giong tri tue va nhan cach-Hinh-3
Cố GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên (cao nhất ở giữa) cùng đồng nghiệp trong thời kỳ sơ tán
Từ một người nghiên cứu trẻ mới trở về nước, GS.TS Trần Thị Vinh – người được ông tin tưởng giao vai trò thư ký trung tâm – nhớ lại: “Thầy có một tầm nhìn rất xa, bởi vì lúc đó Đông Nam Á còn là chương trình rất khiêm tốn trong dạy học lịch sử. Người Việt không hiểu nhiều lắm về Đông Nam Á vào thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN. Chính thầy là người đã đặt nền móng để thay đổi điều đó.”
Nhà sư phạm mẫu mực, người thầy tận tụy
Những ai từng là học trò của cố GS Phan Ngọc Liên đều khó quên hình ảnh người thầy dáng cao, giọng nói trầm ấm, ánh mắt hiền từ và nụ cười bao dung. Dưới mái nhà chưa đầy 10m² ở khu tập thể Văn Chương, tiếng cười sinh viên luôn rộn rã. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, khi Khoa Lịch sử sơ tán về vùng quê nghèo, ông vẫn miệt mài đứng lớp trong lán tre, dạy học không micro cho cả trăm sinh viên. Mỗi bữa cơm chỉ có bánh mì hay cá khô, nhưng ông luôn chia phần cơm ưu tiên cho sinh viên. Học trò gọi ông trìu mến là “Lão Phật gia” – cách gọi thể hiện sự kính trọng, gần gũi và yêu thương vô bờ.
 
Co GS Phan Ngoc Lien: Nguoi gieo hat giong tri tue va nhan cach-Hinh-4
Ngôi nhà nhỏ của cố GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên. 
Sự nghiêm khắc của ông lại càng khiến tình thầy trò thêm sâu sắc. Ông đọc luận văn, luận án “chữa từng ly từng tí, khi nào vừa ý mới thôi”, không vì sức khỏe suy yếu mà ngơi nghỉ trách nhiệm của người hướng dẫn. “Bố nghiêm khắc nhưng độ lượng. Ai cũng sợ không dám đến gặp khi chưa làm xong nhiệm vụ” – con trai ông kể lại.
Người cha đơn thân của bao thế hệ học trò
Cuộc đời riêng của ông cũng là một bài học sống động về tình yêu thương và sự hy sinh. Sau khi vợ mất sớm, ông một mình nuôi 2 người con nhỏ, từ chối tái hôn suốt 13 năm chỉ vì “sợ con mình chịu cảnh dì ghẻ con chồng”. Hằng ngày đạp xe mang cơm lên trường, ông vừa là người cha chu đáo, vừa là người thầy tận tâm, chia sẻ từng món ăn với học trò, quan tâm đến từng bạn sinh viên từ gia cảnh đến tinh thần.
Co GS Phan Ngoc Lien: Nguoi gieo hat giong tri tue va nhan cach-Hinh-5
Cố GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên đi công tác cùng học trò, đồng nghiệp
PGS.TS Đào Tuấn Thành, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, vẫn xúc động khi kể lại chuyện ngày ông chuẩn bị du học Rumani, gặp khó khăn về kinh phí, chính cố GS Phan Ngọc Liên đã động viên, đứng ra vay tiền giúp: “Chính thầy nói: ông cứ yên tâm, tôi sẽ cho ông vay tiền của khoa, của cá nhân, mỗi người một ít, các thầy sẽ giúp để đi.”
Ngay cả khi xa rời bục giảng, trong những năm cuối đời, ông vẫn được học trò kính trọng và tìm đến như một chốn bình yên. Nhiều thế hệ vẫn đều đặn đến thăm ông mỗi dịp Tết, hay ngày Nhà giáo. Trong trái tim họ, ông không chỉ là một người dạy sử, mà là “một pho sử sống” – nơi lưu giữ khí chất, đạo đức và lý tưởng của nhà giáo chân chính.
Hơn 20 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công dưới sự hướng dẫn của ông, nhiều người sau này trở thành giáo sư, phó giáo sư, nhà quản lý, giảng viên cốt cán. Nhưng điều ông để lại không chỉ là những học vị hay chức danh, mà là một thế hệ những người làm nghề giáo có nhân cách, có lý tưởng, có bản lĩnh sống giữa muôn vàn thử thách.
Co GS Phan Ngoc Lien: Nguoi gieo hat giong tri tue va nhan cach-Hinh-6
Cố GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên trong một buổi bảo vệ Luận án Tiến sĩ của học trò
Với những đóng góp to lớn ấy, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân – phần thưởng cao quý dành cho những người “đưa bao thế hệ học trò qua sông” bằng cả tâm – trí – lực của mình.

Mời quý độc giả đón xem video phỏng vấn của Báo Tri thức và Cuộc sống về tình cảm và sự biết ơn của các thế hệ học trò đối với người thầy của mình - GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên.


Trần Liên