Những năm qua, giữa các nhà sử học đương đại đã xảy ra một cuộc tranh luận liên quan đến chai rượu vang Speyer 1.650 tuổi, được cho là chai rượu lâu đời nhất thế giới. Có hai luồng ý kiến được phân định rõ ràng, đó là mở hay không mở chai rượu này để nghiên cứu sâu hơn về lịch sử của rượu vang nói riêng và cuộc sống của con người cổ xưa nói chung.
Chai rượu vang Speyer 1.650 tuổi.
Trước tiên về nguồn gốc của chai rượu vang Speyer 1.650 tuổi, Natalia Klimczak đã báo cáo trong một bài báo rằng:"Một quý tộc La Mã được chôn cất cùng với một chai rượu vang sản xuất tại địa phương vào khoảng năm 350 sau Công Nguyên. Sau khi được khai quật gần thành phố Speyer ở Đức, các nhà nghiên cứu đã bị sốc khi thấy vẫn còn chất lỏng bên trong chai".
Chai Speyer đã cũ đến mức nhiều chuyên gia nghi ngờ liệu rượu của nó có thể uống được hay không. Bảo tàng Lịch sử Palatinate (Pfalz) ở Đức là nơi lưu giữ chiếc chai huyền thoại này trong hơn một thế kỷ qua. Nó được niêm phong bằng sáp và chứa chất lỏng màu trắng.Mặc dù nó đã được một nhà hóa học phân tích trong Thế chiến thứ nhất nhưng chiếc chai chưa bao giờ được mở ra. Một chút dầu ô liu và một lớp sáp nóng đã giữ chất lỏng của rượu vang trắng tồn tại trong suốt 1.650 năm kể từ khi nó được sản xuất.
Cận cảnh chất lỏng bên trong chai rượu vang.
Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu đã tranh luận về việc có nên mở chai rượu ra không. Trong khi nhiều nhà vi trùng học nhấn mạnh rằng việc mở chai có thể gây nguy hiểm thì người phụ trách bộ phận rượu vang của bảo tàng Ludger Tekampe lại lo ngại điều kiện không khí thông thường có thể khiến cho chất lỏng trong chai bị biến đổi. Có người còn cho rằng trải qua hàng ngàn năm nên có lẽ vị của chai rượu vang giờ chẳng khác gì chiếc kẹo cao su vô vị.
Chai rượu vang Speyer 1.650 tuổi được trưng bày tại bảo tàng Đức.
Việc mở hay không mở cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Có vẻ như tình thế tiến thoái lưỡng nan này sẽ tiếp tục làm khó các chuyên gia và nhà khoa học nghiên cứu về rượu trong nhiều năm tới.
Theo PV/Sở Hữu Trí Tuệ Sáng Tạo