Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Vật lý Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2023-2028 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại Đại hội, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, Hội Vật lý Việt Nam là hội thành viên của VUSTA, có chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh Vật lý.
|
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Hội Vật lý. |
Trong nhiệm kỳ thứ VIII, Hội Vật lý đã thành lập thêm được 07 Chi hội cơ sở ở các trường đại học và địa phương. Đến nay, Hội Vật lý có 03 hội viên tổ chức, 27 Chi hội cơ sở, 08 phân hội chuyên ngành và 01 văn phòng.
"Đó là đội ngũ các nhà khoa học vật lý, có nhiều hoạt động chuyên môn cao, đóng góp rất nhiều cho khoa học, cho nền vật lý nước nhà. Hoạt động của Hội đã bám sát tôn chỉ mục đích của Hội, cùng với Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam", Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá, hoạt động của Hội Vật lý trong nhiệm kỳ VIII vừa qua đã rất nỗ lực trong công tác, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, kết nối hợp tác giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế, giữa các Viện nghiên cứu, trường đại học; tổ chức các hội thảo chuyên đề. Đặc biệt là Hội đã tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ các chi hội thành viên của Hội ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam với gần 1.600 hội viên.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hội Vật lý. |
Hội đã tổ chức thành công nhiều kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc, tạo thành phong trào lớn mạnh cho những người yêu Vật lý, cho học sinh, sinh viên toàn quốc. Thông qua những hội thi này, Hội đã tìm ra được những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc để bồi dưỡng, huấn luyện cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu Á, Olympic Vật lý quốc tế.
Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam rất vui mừng khi thấy Hội Vật lý mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội đã có bước tiến quan trọng, hoạt động đi vào nề nếp và ổn định, là thành viên tích cực, hoạt động có hiệu quả trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Đoàn Chủ tịch tin tưởng rằng, Hội Vật lý Việt Nam nhiệm kỳ tới sẽ phát huy những thành tựu và bài học kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động của Hội và các Chi hội.
Với những nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội IX đề ra, chắc chắn Hội sẽ tập hợp và quy tụ trí tuệ của những nhà quản lý, nhà khoa học đã và đang công tác trong các cơ sở KH&CN, các Viện, Trường để tư vấn, phản biện; phổ biến kiến thức khoa học đến người dân cả nước.
|
GS TS Nguyễn Quang Liêm, Viện Khoa học Vật liệu được bầu làm Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2023-2028. |
"Hy vọng rằng, với khí thế mới, nhiệm kỳ mới, Hội Vật lý Việt Nam sẽ khắc phục những khó khăn cùng với các Hội thành viên và Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, Hội Vật lý Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa các hoạt động nghiên cứu KH&CN, GD&ĐT, hoạt động của Hội và Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam", Chủ tịch Phan Xuân Dũng bày tỏ.
Tại đại hội, đã thống nhất bầu ra Ban Chấp hành, Ban Lãnh đạo, Ban thường vụ, Ban Kiểm tra của Hội Vật lý Việt Nam Khóa IX, nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, Ban Lãnh đạo gồm 7 Phó Chủ tịch. GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Viện Khoa học Vật liệu được bầu làm Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quang, Viện Vật lý, Tổng Thư ký Hội Vật lý Việt Nam Khóa VIII tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội.
GS.TS Nguyễn Quang Liêm sinh năm 1959, quê Nam Định. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý chất rắn, Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1981, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quang học, ngành Toán-Lý năm 1995.
GS.TS Nguyễn Quang Liêm đã tham gia và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu trong chuyên ngành Vật lý và Khoa học Vật liệu. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là nghiên cứu các phương pháp chế tạo vật liệu (chủ yếu là phương pháp hoá-lý chế tạo các tinh thể nano/các chấm lượng tử bán dẫn); nghiên cứu cấu trúc và tính chất quang/các quá trình quang-điện tử trong vật liệu bán dẫn và trong bán dẫn/điện môi pha tạp đất hiếm; nghiên cứu ứng dụng các chấm lượng tử bán dẫn trong đánh dấu huỳnh quang nông-sinh-y, trong chiếu sáng rắn, ứng dụng các vật liệu quang xúc tác nano trong xử lý ô nhiễm môi trường; nghiên cứu vật liệu gốm.
GS.TS Nguyễn Quang Liêm đã nhiều lần nhận được các giải thưởng, bằng khen về những đóng góp của mình cho sự nghiệp phát triển KH&CN, trong đó nổi bật nhất là đồng tác giả Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2005 cho cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản tính chất quang-điện-từ của một số vật liệu điện tử tiên tiến”.
Mời quý độc giả xem video Đại biểu Quốc hội, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan