Loài chim này lần đầu phát hiện trên thế giới do nhà nghiên cứu Jack Dumbacher ghi nhận vào đầu năm 1990, khi ông tình cờ đến đảo Papua New Guinea để nghiên cứu về loài chim thiên đường nổi tiếng nhất ở đây. Tuy nhiên khi bẫy chim, ông lại không may bị những con chim đẹp sặc sỡ tấn công.
Vết thương của ông nhanh chóng trở nên sưng tấy. Dumbacher đã không ngần ngại mà đưa vết thương lên miệng để hút độc và cầm máu, nhưng không thể ngờ rằng loài chim bí ẩn ở đây lại chứa thứ độc tố đáng sợ.
Sau đó miệng ông bắt đầu ngứa, nóng, tê dại đến vài giờ. Sau khi tiến hành nghiên cứu, ông phát hiện ra mình mắc phải một chất độc thần kinh có tên là batrachotoxin. Loại chất độc này tương tự như nọc độc của ếch phi tiêu, có thể khiến hệ thần kinh trở nên tê liệt.
Lượng độc nhiều sẽ khiến con người khó thở, xuất huyết nội tạng, các cơ quan bị phá hủy và dĩ nhiên, cái chết là điều khó tránh khỏi! Rất may trong trường hợp của nhà khoa học Dumbacher là lượng chất độc ông tiếp xúc chưa đủ lớn để gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chất độc của loài chim này đến từ nguồn thức ăn là bọ cánh cứng có độc. Do quá trình tiến hóa, loài chim này có khả năng kháng độc nhưng chất độc từ thức ăn không mất đi mà lan ra khắp cơ thể, lên cả các bộ phân là da, lông và mỏ chim. Vì vậy, dù không ăn thịt chim nhưng chỉ cần chạm vào lông của chúng cũng đủ để gây nguy hiểm tới tính mạng.
Loài chim này cũng sở hữu vẻ ngoài sặc sỡ, đặc điểm ngoại hình này dường như xuất hiện ở các loài động vật có độc khác như ếch phi tiêu, như một công cụ để cảnh báo kẻ thù tránh xa.
Ngoài ra, loài chim này còn có mùi đặc trưng mà nhiều người ví như mùi rác. Vì vậy, người dân địa phương gọi chúng là "chim rác", và cũng dựa vào mùi kỳ lạ này để tránh xa loài chim độc Pitohui. Theo ghi nhận, loài chim này chỉ xuất hiện ở đảo Papua New Guinea, có mặt khá đông ở các khu rừng trên đảo .
Theo Ngọc Anh/ Toquoc