Ban đầu, kẻ gian sẽ thu thập hoặc mua lại thông tin cá nhân và sản phẩm mà bạn đang sử dụng (điện thoại, laptop, máy giặt, máy lạnh…).
Sau đó, họ sẽ gọi điện thoại, tự xưng là người của trung tâm bảo hành LG, Samsung, Sony và mời chào bạn mua thẻ bảo hành mở rộng một năm với mức giá 200.000 đồng (chi phí làm thẻ). Đổi lại người dùng sẽ không phải tốn bất kỳ chi phí sửa chữa nào khi sản phẩm bị hư hỏng.
Nếu bạn đồng ý mua thẻ bảo hành mở rộng, kẻ gian sẽ gửi bưu phẩm và yêu cầu bạn thanh toán 200.000 đồng khi nhận hàng.
Vì họ biết rõ tên sản phẩm và thời gian mua hàng nên nhiều người sẽ lầm tưởng đây là nhân viên chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là một chiêu trò lừa đảo đơn thuần, sử dụng thông tin cá nhân của bạn để tạo niềm tin và chiếm đoạt tiền, đổi lại bạn sẽ nhận được một chiếc thẻ bảo hành mở rộng không có giá trị.
Thẻ bảo hành mở rộng giả mạo. Ảnh: Predator Community Vietnam
Trước đó, một số hội nhóm trên Facebook cũng đã có bài viết cảnh báo về tình trạng này.
Khi gặp tình huống như trên, bạn nên gọi điện trực tiếp đến trung tâm bảo hành (TTBH) của Samsung, LG, Sony, Acer… để xác thực lại thông tin.
Để thực hiện, bạn hãy mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và nhập theo cú pháp tổng đài + tên nhà sản xuất, ví dụ tổng đài Acer, tổng đài LG... Đối với những kết quả nằm trên đầu và được gắn nhãn Ad (quảng cáo), người dùng nên bỏ qua để tránh bị mất tiền oan uổng.
Người dùng nên bỏ qua các kết quả có chữ Ad (quảng cáo). Ảnh: TIỂU MINH
Thông thường, đây là những trang web dịch vụ hoặc giả mạo, mua quảng cáo để được xuất hiện trên đầu trang. Khi gọi điện đến tổng đài của những trang này, người dùng thường sẽ bị tính cước phí rất cao.
Để biết rõ thông tin về chương trình bảo hành, sửa chữa liên quan đến các thiết bị điện tử đang sử dụng, bạn nên gọi điện trực tiếp đến tổng đài của nhà sản xuất để tránh bị mất tiền oan uổng.
Theo Tiểu Minh/ Kynguyenso