Chân dung GS Trịnh Xuân Thuận - người giành giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp

Google News

GS Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt vừa nhận được Giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ năm 2022.

May mắn được học những người thầy lớn
GS Trịnh Xuân Thuận sinh ngày 20/8/1948 ra tại Hà Nội. Năm ông lên 6 tuổi, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống.
GS Trịnh Xuân Thuận có năng khiếu về văn chương, nhưng từ nhỏ ông đã có mơ ước đi theo con đường nghiên cứu khoa học cơ bản. Ông cảm thấy hấp dẫn bởi các môn học này, đặc biệt là môn Vật lý. Ông đọc rất nhiều sách của Albert Einstein (nhà vật lý lý thuyết người Đức), trong đó cuốn “Thế giới như tôi thấy” trở thành cuốn sách gối đầu giường của ông.
Ông theo học tại Trường Yersin tại Đà Lạt (nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) và sau đó là Trường Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn. Năm 1966, sau khi đỗ tú tài, ông rời Sài Gòn đi du học Thụy Sĩ.
Chan dung GS Trinh Xuan Thuan - nguoi gianh giai thuong lon cua Vien Han lam Phap
 GS Trịnh Xuân Thuận có năng khiếu về văn chương, nhưng từ nhỏ ông đã có mơ ước đi theo con đường nghiên cứu khoa học cơ bản.
Sau 1 năm học ở Thụy Sĩ, ông đăng ký học tại 3 trường đại học danh tiếng của Mỹ về vật lý, thiên văn. Sau đó, ông đã chọn Caltech – nơi đồng thời Einstein, thần tượng thuở thiếu thời của ông đã từng sống và làm việc.
Ông chia sẻ, một trong những điều rất quan trọng trong cuộc đời làm khoa học của ông đó là đã được học từ các giáo sư giỏi. Họ đã dạy cho ông cách nghiên cứu, cách nghĩ, cách tư duy...
“Tôi may mắn được học những người thầy giỏi ở Caltech. Hai giáo sư tại trường nay là William Alfred Fower (đạt giải Nobel vật lý năm 1983) và Gordon Garmire hướng dẫn tôi rất nhiều”, GS Trịnh Xuân Thuận nói.
Tuy nhiên, để đến được với điều đó, cần rất nhiều quyết tâm và đam mê. Khi rời xa đất nước, gia đình, trước thế giới rộng lớn bao la, trong túi lại không có tiền, không biết tiếng Anh, cũng có nhiều lúc ông tháy nản chí. Nhưng rồi, ông đã vượt qua tất cả, nhờ nỗ lực, quyết tâm.
Cho đến bây giờ, ông chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về việc đã dành cả đời mình cho thiên văn học. Khi nhìn thấy hình ảnh của một thiên hà xa xôi trên màn hình trong phòng quan sát, cơ thể ông vẫn như có luồng điện chạy qua với những cơn run rẩy.
Có đam mê, và ý chí để thực hiện đam mê đó, đó chính là điều mà ông muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ.
“Nhiều khi mình làm điều gì đó mình thấy nản thì cần phải có ý chí để vượt qua, cương quyết để làm được điều mình thích”, ông nói.
“Trong hạt cát ta thấy vũ trụ”
GS Trịnh Xuân Thuận là tác giả của nhiều cuốn sách phổ biến thiên văn học nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt như: “Giai điệu bí ẩn”, “Và con người tạo nên vũ trụ”, “Hỗn độn và hài hòa”, “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”, “Vũ trụ và hoa sen”, “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao”, “Số phận của vũ trụ - Big Bang”...
Chan dung GS Trinh Xuan Thuan - nguoi gianh giai thuong lon cua Vien Han lam Phap-Hinh-2
 GS Trịnh Xuân Thuận là tác giả của nhiều cuốn sách phổ biến thiên văn học nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt.
Ông cũng từng được trao một số giải thưởng danh giá khác như: giải Moron của Viện Hàn lâm Pháp về văn chương (năm 2007), giải thưởng Kalinga về phổ biến tri thức khoa học của UNESCO (năm 2009) và giải thưởng quốc tế Cino del Duca (2012)...
Các tác phẩm của ông được độc giả đón nhận, yêu thích bởi lối những nội dung khoa học được diễn đạt bằng ngôn từ của thi ca, và được viết nên bởi một tâm hồn lãng mạn, hòa đồng với vũ trụ.
GS Trịnh Xuân Thuận cho hay, vẻ đẹp của vũ trụ là một vẻ đẹp có trật tự. Từ cầu vồng, cảnh hoàng hôn, những vì sao hay các thiên hà… không quyến rũ ta với vẻ đẹp lộng lẫy, huy hoàng, mà bởi sự gắn kết chặt chẽ và có trật tự. Và những vẻ đẹp không phải tìm kiếm đâu xa, mà có khi ngay ở gần chúng ta – như Vịnh Hạ Long.
Ông cho hay, theo nghiên cứu giữa con người với hạt cát, và các ngôi sao, đều có những mối liên hệ tương tác với nhau. Theo đó, chúng ta là hậu duệ của các ngôi sao, và hãy tìm trong hạt cát, sẽ thấy tất cả.
Tên cuốn “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của ông được lấy từ chính bài thơ của nhà thơ triết học người Anh William Blake:
“Trong hạt cát, ta thấy cả vũ trụ
Trong đóa hoa, ta thấy cả thiên đường
Nắm cái vô hạn trong lòng bàn tay
Và sự vĩnh hằng trong khoảnh khắc”.
Sách khoa học của ông bàn luận đến mối quan hệ giữa con người mà vũ trụ, về việc vì sao chuyện của cá nhân lại liên quan tới vũ trụ, và vì sao muốn tồn tại, lại phải bảo vệ Trái Đất?
Các tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận từng giành được lời khen từ Học viện Pháp Quốc, rằng đã thể hiện “một cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học và một người có đức tin về vũ trụ và vị trí của con người trong vũ trụ”.
GS Trịnh Xuân Thuận chia sẻ, may mắn của ông là đã được hưởng thụ những vẻ đẹp kỳ diệu của vũ trụ, ông rất muốn chia sẻ hiểu biết, niềm hạnh phúc đó cho mọi người, đặc biệt các bạn trẻ Việt Nam.
“Hiểu được con người trong vũ trụ, có lẽ, chính là hiểu mình. Bởi con người chỉ là một chớp mắt trong quá trình tiến hóa của vũ trụ”, ông cho hay.
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của sách khoa học, nhất là với giới trẻ. Theo ông, sách khoa học sẽ làm nảy nở thiên hướng về khoa học. Trong khi đó, khoa học là một phần quan trọng để một đất nước vươn lên. Cần phải lưu ý khơi dậy ý chí khoa học trong giới trẻ.
Giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ, được thành lập năm 1986, là một giải thưởng thường niên trao cho các cá nhân đã đóng góp một cách xuất sắc vào việc duy trì và minh họa ngôn ngữ Pháp. Năm 1992, giải thưởng này được trao cho bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Với việc được vinh danh này, GS Trịnh Xuân Thuận sẽ nhận được số tiền thưởng 30.000 euro (khoảng hơn 700 triệu đồng).

Giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ, được thành lập năm 1986, là một giải thưởng thường niên trao cho các cá nhân đã đóng góp một cách xuất sắc vào việc duy trì và minh họa ngôn ngữ Pháp. Năm 1992, giải thưởng này được trao cho bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Với việc được vinh danh này, GS Trịnh Xuân Thuận sẽ nhận được số tiền thưởng 30.000 euro (khoảng hơn 700 triệu đồng).

 

Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ về ý nghĩa của công trình đầu tiên về hạn hán trên khu vực Đông Nam Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.



 
Mai Loan