|
Biến đổi khí hậu không chỉ khiến thiếu lương thực mà còn tiềm ẩn cả nguy cơ ăn phải thực phẩm tự sản sinh chất độc – Ảnh: South Africa
|
Cảnh báo biến đổi khí hậu, môi trường bị ô nhiễm khiến cây cối tiết ra chất độc được giáo sư Jacqueline McGlade – một cựu khoa học gia tại Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc – đưa ra sau khi có các báo cáo về tình trạng nhiều nông dân nghèo ở Ethiopia và động vật của họ chết một cách bí ẩn. Những người này đều gặp tình trạng giống nhau là giảm thị lực, mất khả năng vận động và cuối cùng là tử vong.
Các nhà nghiên cứu làm việc trong khu vực nhận ra hạn hán đã làm hỏng mùa màng của nông dân, buộc người dân phải tiêu thụ thực vật hoang dã mà họ tìm thấy bên lề đường. Thật không may là tình trạng biến đổi khí hậu đã “kích hoạt” một cơ chế phòng thủ bên trong các loại cây này, khiến chúng chứa đầy chất độc.
Giáo sư McGlade từng đưa thông tin này vào một báo cáo cho Liên Hiệp Quốc vào năm 2016 và tiếp tục bàn về nó trong các báo cáo gần đây. Nó sẽ trở thành một thách thức an toàn thực phẩm, bởi vì chính những thực vật mà chúng ta đang dựa vào để sống cũng đang thích nghi với biến đổi khí hậu.
Tình trạng nguy hiểm này đang lan rộng ra nhiều loại cây lương thực khác. Không chỉ kém phát triển, năng suất cây trồng giảm mà cây lương thực còn xuất hiện aflatoxin – độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một nấm mốc, gây ung thư và hydro xyanua, loại chất độc gây tử vong nhanh chóng.
Nhiều báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã cho thấy tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với hệ thống lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được kiểm soát thì cây lương thực có chất độc không chỉ xuất hiện ở các quốc gia châu Phi hoặc những vùng khí hậu nóng mà còn có cả ở các quốc gia vùng lạnh. Thời tiết càng ấm nóng thì tình trạng này càng lan rộng ra nhiều nơi, nhiều loại cây hơn.
Theo Nguyệt Minh/Môi trường và cuộc sống