Cây ăn thịt biết tính toán?

Google News

Loài cây ăn thịt có thể đếm số lần mà nạn nhân của nó chạm vào những sợi lông cảm giác bên trong bẫy và quyết định thời điểm "diệt" con mồi.

Nếu bạn vô tình bị biến thành một con ruồi, và bị rơi vào bẫy của loài “cây ăn thịt” Venus Flytrap chuyên bắt và tiêu hóa côn trùng, thì đây là một lời khuyên có giá trị: Đừng hoảng sợ.
"Nếu bạn chỉ ngồi im đó và chờ đợi, sáng hôm sau, cái bẫy sẽ mở ra và bạn có thể thoát ra" – nhà nghiên cứu Ranier Hedrich từ Đại học Würzburg (Đức) nói. "Nếu bạn hoảng sợ, bạn sẽ kích hoạt một chu trình phân hủy chết chóc".
Cây ăn thịt Venus Flytrap giương bẫy chờ bắt côn trùng. (Nguồn: The Atlantic) 
Thực tế thì một số loài cây bẫy ruồi có khả năng bắt và tiêu hóa côn trùng như cây hố bẫy (tên khoa học là Sarracenia), cây bẫy ruồi Venus Flytrap, cây nắp ấm có tên khoa học Nepenthes. Cây Nepenthes trên thân có nhiều lá trông như hình nắp ấm, trên miệng nắp ấm có một chất rất nhờn, khi côn trùng đậu trên miệng nắp sẽ bị dính, sau đó bị giữ và cuốn vào trong lòng ấm. Cây sẽ tiết dịch lỏng (chứa các enzym tiêu hóa) tiêu hóa phần mềm của cơ thể côn trùng.
Trong số đó, loài cây ăn thịt kỳ lạ nhất có lẽ là cây Venus Flytrap (tên khoa học là Dionaea muscipula), từng được mệnh danh “thực vật kỳ diệu nhất thế giới” với tốc độ săn mồi rất nhanh. Những cái lá hình vỏ sò của loại cây này có thể “chộp” con mồi chỉ trong 1/10 giây.
Ông Hedrich và những nhà nghiên cứu khác đã phát hiện cây Venus Flytrap có thể đếm số lần mà nạn nhân của nó chạm vào những sợi lông cảm giác bên trong bẫy của nó. Một lần chạm thì chưa có vấn đề gì. Lần chạm thứ 2 sẽ bẫy sẽ sập cửa. Lần chạm thứ 3, quá trình tiêu hóa bắt đầu.
Những lần chạm tiếp theo, theo nghiên cứu mới nhất của ông Heydrich, sẽ dẫn đến việc sản xuất ra các enzym tiêu hóa. Con mồi càng giãy giụa và va chạm nhiều hơn thì cây hoa càng sản sinh ra nhiều enzim hơn.
Loài Venus Flytrap luôn điều chỉnh lượng enzym này để đáp ứng nhu cầu tiêu hóa của nó. Một con mồi là con ruồi lớn sẽ vùng vẫy dữ dội hơn, chạm vào các sợi lông mạnh hơn và gây ra các xung điện cảm ứng nhiều hơn. Cây hoa phản ứng bằng cách tiết ra nhiều dịch vị lỏng và nhiều enzyme tiêu hóa tương ứng.
Sau sáu đến bảy giờ, cái bẫy được đóng kín, và tràn đầy chất lỏng dịch vị. Con ruồi, bị tách khỏi thế giới bên ngoài và thiếu oxy. Các chất dịch bên trong bẫy trở nên vô cùng chua, như một loại axit làm phần mềm của cơ thể con côn trùng dần tan rã và bị cây hấp thụ.
Sau khoảng một tuần, cái bẫy mở ra, để lộ cái vỏ xác rỗng của con ruồi, sẽ rơi ra ngoài hoặc bị gió thổi đi. Khi “ăn” hết, cây lại mở nắp bẫy ra chờ một con mồi khác. Nó sẽ bắt thêm một hoặc hai con mồi nữa trước khi héo úa.
Điều thú vị là cây ăn thịt này tiêu hóa được nhiều loại côn trùng như ruồi, nhện, kiến.., nhưng lại không thể ăn được loài bọ cánh cứng. Nếu cây vô tình bắt được bọ cánh cứng thì một lúc cũng phải nhả ra vì không tiêu hóa được.
Theo TGVN