Tim nhân tạo Aseson là kết quả của 27 năm dài nỗ lực của công ty Carmat. Bác sĩ phẫu thuật tim và nhà phát minh van tim Alain Carpentier đã đề xuất phát triển hệ thống tim nhân tạo vào năm 1993 với doanh nhân người Pháp Jean-Luc Lagardere. Ông Lagardere sau đó đã triển khai một số phòng thí nghiệm từ công ty tên lửa Matra của mình theo đề nghị của bác sĩ Carpentier. Hiện ông Lagardere là cổ đông lớn nhất của Carmat với 13% cổ phần, trong khi bác sĩ Carpentier sở hữu 5,3% cổ phần.
Tim nhân tạo của Carmat có hình dáng bên ngoài giống như quả tim người. Nó có trọng lượng 900 g (quả tim người nặng 300g) nhưng không gây trở ngại cho người được ghép. Tim có 2 tâm thất và 4 van tim.
Tim nhân tạo Aseson được làm bằng chất nhựa cứng rất chắc chắn. Bên trong buồng tim, các van tim và các ống dẫn truyền máu được bao phủ bởi vật liệu sinh tổng hợp đặc biệt. Vật liệu này có tính chất ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông trong tim và giúp tránh hiện tượng đào thải gây ra bởi hệ miễn dịch thường gặp trong các cuộc ghép tạng. Tim nhân tạo vận hành và hoạt động như tim người. Nó chứa một bộ phận cảm ứng tự tăng hoặc giảm lưu lượng máu theo nhu cầu. Tim có thêm một ngăn chứa chất lỏng có nhiệm vụ làm chuyển động quả tim.
Theo các chuyên gia, tim nhân tạo này có thể hoạt động liên tục trong 5 năm. Tất cả các bộ phận đều ở trong quả tim, ngoại trừ bộ pin dùng cung cấp năng lượng ở bên ngoài cơ thể và được gắn ở thắt lưng rất gọn nhẹ. Do vậy, người được ghép tim nhân tạo này đi đứng và sinh hoạt hằng ngày như bình thường.
Ông Stephane Piat, Giám đốc điều hành công ty Carmat cho biết, tim nhân tạo với nhiều năm tuổi thọ có thể thay thế tim thật ở những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có chỉ định ghép tim. Tuy nhiên, hiện Uỷ ban Châu Âu chưa chấp thuận tim nhân tạo là thiết bị cấy ghép vĩnh viễn.
Công ty Carmat cho biết, trong năm 2021 có thể sản xuất 10 quả tim nhân tạo mỗi tháng, sau đó công suất có thể tăng lên theo nhu cầu.
Tim nhân tạo của công ty Carmat có giá 150.000 Euro (tương đương hơn 4,2 tỷ đồng). Đây là mức giá tương đối cao, không phải bệnh nhân và quỹ phúc lợi nào cũng có thể tiếp cận. Công ty của Pháp cũng đang khởi động một nghiên cứu tại Mỹ với hy vọng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của nước này cấp phép cho thiết bị tim nhân tạo vào năm 2024.
Tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, tình trạng thiếu người hiến tặng để ghép tim phổ biến tại nhiều quốc gia. Chỉ tính riêng 5 nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italy, mỗi năm có khoảng 2.000 bệnh nhân chờ ghép tim.
Theo Phong Lâm/VietQ