1. Cá đá vây đen
Cá đá vây đen (Chaenocephalus aceratus) được các nhà khoa học đánh giá là một loài động vật kỳ lạ có thể sống trong môi trường biển lạnh nhất Trái đất. Quả thực, loài cá này có nhiều khả năng đặc biệt. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, máu của cá đá vây đen có màu trắng. Nguyên nhân là do chúng là loài động vật có xương sống duy nhất thiếu gene hemoglobin chức năng. Điều này có nghĩa là cơ thể của chúng không tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxy trong máu.
Ngoài ra, cá đá vây đen có 1 trái tim quá to và mật độ khoáng chất trong xương vô cùng thấp. Các nhà khoa học cho biết, nếu con người xuất hiện những đặc điểm kể trên thì họ sẽ bị mắc bệnh, tuy nhiên chúng lại rất cần thiết đối với cá đá vây đen khi sống ở Nam Cực. Và để sống sót ở Nam Cực, cá đá vây đen đã phát triển khả năng sản xuất các protein hoạt động như một loại "chất chống đông", giúp chúng sống sót ở nhiệt độ dưới điểm đóng băng của nước biển.
2. Nhện biển Nam Cực
Nhện biển xuất hiện ở khắp mọi nơi trên Trái Đất. Ở những nơi khác, nhện biển có kích thước nhỏ, nhưng ở Nam Cực, chúng lại lớn hơn hẳn. Kích thước của nhện biển Nam Cực lên tới gần 25 cm. Nhện biển Nam Cực có 8 chiếc chân dài và một chiếc vòi với kích thước đặc biệt lớn.
Trên thực tế, chúng là loài nhện biển Pycnogonid, một loài động vật chân đốt biển. Nhện biển Pycnogonid có khả năng thay đổi màu sắc theo nồng độ oxy, áp suất khu vực sinh sống và khi chạy trốn kẻ thù… Các nhà khoa học không lý giải được vì sao nhện biển Nam Cực lại có kích thước lớn như vậy.
Một nhóm nghiên cứu đến từ Mỹ đã đưa ra giả thuyết rằng do nồng độ oxy hòa tan trong nước lạnh ở Nam Cực cao hơn. Cụ thể, mật độ oxy cao kết hợp với quá trình trao đổi chất chậm do nhiệt độ lạnh đã khiến các loài động vật này to lớn như vậy. Sau đó, họ đã tiến hành thu thập những con nhện ở đáy biển Nam Cực, nơi có nhiệt độ từ -1.5 đến -1.8 ºC. Họ kiểm tra lũ nhện ở các nhiệt độ với lượng oxy hòa tan khác nhau và kết quả hoàn toàn khớp với giả thuyết đã đưa ra.
3. Hải sâm đỏ Enypniastes eximia
Các nhà nghiên cứu đến từ Australia đã vô cùng bất ngờ khi sử dụng camera đặc biệt và tình cờ tìm thấy loài sinh vật kỳ lạ này tại Nam Cực. Loài hải sâm có màu đỏ như máu này có tên khoa học là Enypniastes eximia. Hải sâm đỏ Enypniastes eximia còn có thể phát sáng trong bóng tối. Không những vậy, hải sâm đỏ Enypniastes eximia có hình dáng cơ thể cụt ngủn có phần giống với cánh của những con gà.
Hải sâm đỏ Enypniastes eximia có cách di chuyển rất đặc biệt. Chúng thường bò dọc đáy biển hoặc để cơ thể trôi nổi giữa làn nước khi kiếm ăn. Cấu trúc vây của hải sâm đỏ Enypniastes eximia rất đặc biệt, chúng cấu tạo như vậy là để di chuyển giữa các dòng nước và tránh những kẻ săn mồi.
4. Giun lông
Bất ngờ hơn cả là, các nhà khoa học đã phát hiện ra loài giun lông này khi thăm dò vùng nước sâu tới 1.000 m dưới lớp băng tại Nam Cực. Thông tin về phát hiện này ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của giới khoa học. Bởi giun lông được tìm thấy trên nhiều đại dương của Trái đất. Chúng có thể sống ở mọi độ sâu, từ sống như sinh vật phù du gần bề mặt cho đến ở đáy của vực sâu Challenger.
Giun lông còn được gọi là giun nhiều tơ, có tên khoa học là Polychaeta. Đây là một trong những nhóm động vật không xương sống đa dạng nhất dưới đáy biển với hơn 10.000 loài đã được mô tả. Giun lông ở Nam Cực có hình dáng đặc trưng là rất nhiều sợi lông chạy dọc 2 bên hông. Đáng chú ý là, loài giun lông này còn có quan hệ họ hàng với giun đất trên đất liền.
5. Bọ đuôi bật Nam Cực
Vào năm 2020, một nhóm nghiên từ Mỹ đã tái phát hiện loài sinh vật biển giống côn trùng mang tên bọ đuôi bật ở dải băng Tây Nam Cực. Loài động vật này được tìm thấy lần đầu là vào những năm 1960 và sau đó biến mất suốt nhiều thập kỷ. Theo National Geographic, tuy chỉ dài 1-2 mm, nhưng bọ đuôi bật là động vật lớn nhất sống trên cạn ở Nam cực (chim cánh cụt hay hải cẩu không được coi là động vật sống trên cạn. Chúng sống chui rúc bên dưới các tảng đá dọc theo bờ biển ở Nam Cực.
Bọ đuôi bật là một phân lớp động vật chân đốt cổ xưa nhất và đông đúc nhất trên Trái đất. Chúng có thể phát triển với số lượng lớn như vậy là nhờ khả năng thích nghi mạnh mẽ. Đó là chúng có thể đông rắn và tự rã đông cơ thể một cách thường xuyên. Cụ thể, bọ đuôi bật Nam Cực sẽ tiết ra glycerol để giữa ấm cơ thể, đồng thời giảm thiểu hoạt động trao đổi chất để tiết kiệm năng lượng. Nếu thời tiết trở nên quá khắc nghiệt, bọ đuôi bật Nam Cực có thể chuyển sang giai đoạn ngủ đông để sinh tồn.
*Bài viết được tổng hợp từ Nature, Scinews, Globalnews.
Theo Tổ Quốc