Vòng đeo Frenz Brainband
Ngày 17/11/2022, trên trang vinh danh các sản phẩm sáng tạo của triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2023, vòng đeo Frenz Brainband – một sản phẩm do startup của người Việt phát triển - xuất hiện ở hạng mục công nghệ dành cho thiết bị đeo. Đây là lần đầu một sản phẩm công nghệ do người Việt phát triển đạt giải thưởng này.
Frenz được phát triển bởi công ty Earable Neuroscience, do giáo sư Vũ Ngọc Tâm, từng làm việc tại Đại học Oxford, sáng lập. Ông cho biết sản phẩm được nghiên cứu trong 8 năm, với 15 bằng sáng chế và hàng chục bản thử nghiệm trước khi ra được phiên bản thương mại. Công ty hiện có trụ sở tại Mỹ và Việt Nam, với khoảng 60 nhân sự, trong đó hơn 90% là người Việt. Thiết bị cũng được sản xuất tại nhà máy ở Việt Nam.
|
Sản phẩm FRENZ™ Brainband được giới thiệu tới công chúng. Nguồn: Báo Công thương. |
Frenz Brainband là thiết bị đeo đầu với các tính năng chính gồm đo điện não đồ, nhịp tim, nhịp thở, nồng độ Oxy trong máu, theo dõi chuyển động mắt, cơ mặt. Từ các dữ liệu này, Frenz có thể đánh giá tình trạng tập trung và giấc ngủ. "Thiết bị giúp giải quyết một bài toán lớn của thế giới. Thống kê cho thấy có khoảng 45% dân số đang gặp vấn đề về giấc ngủ, đặc biệt sau COVID-19. Các giải pháp hỗ trợ giấc ngủ không xâm lấn ngày càng được ưa chuộng và thị trường này tăng trưởng 10-18% một năm", giáo sư Tâm nói.
Người dùng có thể theo dõi các chỉ số này theo thời gian thực, thông qua ứng dụng trên smartphone. Ngoài ra, một hệ thống truyền âm qua xương của máy có tác dụng tương tự tai nghe, cho phép truyền tải âm thanh, bản nhạc để tác động đến não bộ nhằm giúp người dùng ngủ nhanh và sâu hơn. Công ty cho biết đã thử nghiệm trên 1.000 người, 86% trong số đó giảm được trung bình 19 phút thời gian đi vào giấc ngủ mỗi ngày.
Frenz được đưa ra bảo vệ trước ban giám khảo của CES hồi tháng 5, khi sản phẩm còn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Sản phẩm dự kiến giao hàng vào tháng 2/2023, với giá 499 USD hoặc 12,5 triệu đồng.
Công nghệ chống hàng giả bằng blockchain
Trong cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022, ứng dụng công nghệ blockchain vào giải pháp chống hàng giả của PGS.TS Nguyễn Đình Quân (Đại học bách khoa TP HCM) và cộng sự đã được vinh danh giải ba. Sản phẩm là hệ thống phần mềm hoạt động dựa trên một thuật toán blockchain, mã hóa một mã ID tạo ra "chữ ký" duy nhất của nhà sản xuất giúp xác thực hàng hóa đúng nguồn gốc, khiến hành vi làm hàng giả trở nên bất khả thi.
|
PGS.TS Nguyễn Đình Quân (trung tâm) cùng các thành viên phát triển dự án Deep Signature. Ảnh: NVCC. |
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Quân, trên thị trường không chỉ sản phẩm xa xỉ bị mạo danh, nhiều mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm, nước uống, phần mềm máy tính, thời trang, hàng điện tử cũng bị làm giả, làm nhái. Những hoạt động phi pháp này ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của các doanh nghiệp, tổn hại sức khỏe và tài sản của hàng triệu người tiêu dùng hàng năm trên thế giới. Chính vì lý do này nhóm nghiên cứu công nghệ chống hàng giả bằng thuật toán chuỗi khối (blockchain).
PGS Quân cho biết thuật toán dựa trên việc thông tin mã hóa trên blockchain không thể bị thay đổi hay can thiệp để tạo ra môi trường minh bạch cho xác thực nhưng vẫn bảo mật dữ liệu gốc nhờ mã hóa một chiều. Chỉ khi mã sản phẩm được xác thực khớp với địa chỉ ví blockchain của nhà sản xuất, mã sản phẩm mới đích thực là đúng do nhà sản xuất phát hành...
Hệ thống này có thể được phát triển ứng dụng trong thương mại, phân phối, công nghiệp sản xuất, y tế, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm và còn có thể mở rộng ra nhiều ứng dụng khác. Với mức chi phí thấp, công nghệ này dự tính sẽ chỉ trong khoảng 200-300 đồng/mã sản phẩm (rẻ hơn hàng chục lần so với các tem chống hàng giả điện tử SMS hiện nay trên thị trường).
Bộ đôi sản phẩm "hot" của EVN
Trong các giải thưởng Sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam 2022" được công bố cách đây ít ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đóng góp hai sản phẩm. Đó là công tơ điện tử (lọt top 10 hạng mục “Kinh tế số”) và trạm sạc nhanh cho xe điện (lọt top 10 hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”). Cả 2 sản phẩm này được nghiên cứu, phát triển, sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC).
Trong đó, công tơ điện tử là sản phẩm do đội ngũ kỹ sư EVNCPC tự nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay với 28 chủng loại công tơ điện tử 1 pha, 3 pha, 1 biểu giá, nhiều biểu giá được phát triển. Các sản phẩm đáp ứng tất cả nhu cầu đo đếm điện năng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với tiêu chuẩn đo lường, hợp chuẩn hợp quy của Việt Nam.
|
Sản phẩm trạm sạc nhanh đa năng cho xe ô tô điện. Ảnh: Đức Dũng /BNEWS/TTXVN. |
Sản phẩm trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện có các tính năng: nhiều chế độ sạc, sạc song song 2 vòi cùng một lúc, thiết kế theo hướng module hóa, hỗ trợ tiêu chuẩn sạc khác nhau, kết nối cổng thanh toán VNPay, quản lý mạng lưới trạm sạc và trạng thái hoạt động. Sản phẩm này góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho người sử dụng xe ô tô; tiết kiệm chi phí khi mua thiết bị ngoại nhập; giảm ô nhiễm môi trường; tạo cơ sở hạ tầng kích cầu cho việc phát triển xe ô tô điện...
Được biết, sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam 2022" là giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, được Bộ Thông tin và Truyền thông xét và trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Thanh Bình