Trong lịch sử Trung Quốc, có rất nhiều nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc cho mọi người. Những câu chuyện của họ ít nhiều đều được ghi chép trong sách sử, nhưng do khoảng cách thời gian quá lâu, thêm vào đó là khoa học kỹ thuật cũng có hạn, hầu như họ đều không để lại những bức họa hay ảnh quan trọng. Mọi người thường thông qua tranh để nhận diện người cổ đại nhưng do họa sĩ thời cổ đại không dám đắc tội với người quyền quý, cũng không dám vẽ hình ảnh của họ quá xấu xí nên rất nhiều bức họa đều không có giá trị tham khảo lớn, chúng ta chỉ có thể thông qua những văn hiến lịch sử để tìm hiểu về ngoại hình của người xưa.
Thời cận đại, khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, con người đã phát minh ra một thiết bị lưu trữ hình ảnh vô cùng quan trọng, đó chính là máy ảnh. Sự ra đời của máy ảnh đem tới rất nhiều tiện ích cho con người, đồng thời cũng giúp cho người ở hiện đại có thể tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của người thời xưa. Khi ấy, người phương Tây đã mang tới không ít các sản phẩm khoa học kỹ thuật, những người thống trị triều Thanh thậm chí còn coi những thứ này là “ma thuật”. Những binh sĩ triều Thanh lần đầu tiên nhìn thấy chiến hạm của phương Tây thậm chí còn không dám tin vào mắt mình. Trong thế giới mà họ biết, sắt là thứ không thể nổi trên mặt nước được. Khi xe lửa mới xuất hiện ở Trung Quốc, Từ Hi thậm chí còn kêu người tới kéo xe lửa.
Khi lần đầu tiên Từ Hi Thái Hậu nhìn thấy bóng đèn điện còn nói bóng đèn điện là quả quýt biết phát sáng. Khi ấy, khoa học kỹ thuật của Trung Quốc còn vô cùng lạc hậu, đa số mọi người đều chưa từng được nhìn thấy những thứ kỳ lạ, mới mẻ như thế. Những năm cuối thời nhà Thanh, có không ít quan lại quyền quý đều đã bắt đầu yêu thích những thứ mới lạ này, họ có tiền mua xe hơi để chạy, có tiền để mua máy ảnh để chụp ảnh lưu niệm.
Hiện nay, ở khắp các trang mạng đều có thể dễ dàng tìm thấy được những bức ảnh xưa cũ ấy, có bức thì là do người phương Tây chụp để lại, có bức là do các quan lại quý tộc thời nhà Thanh tự thuê người chụp. Từ Hi Thái Hậu cũng để lại ảnh cũ của mình, cho dù bà là nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử nhưng những nhà nghiên cứu lịch sử vẫn muốn nghiên cứu sâu hơn về cuộc đời của bà.
Từ Hi Thái Hậu hay còn gọi là Hiếu Khâm Hiển Hoàng Hậu, Diệp Hách Na Lạp Thị, bà từng là phi tần của vua Hàm Phong, sau đó hạ sinh con trai Tải Thuần, cũng chính là vua Đồng Trị sau này. Sau khi vua Hàm Phong băng hà, bà tự xưng là Thánh Mẫu Hoàng Thái Hậu, hiệu là Từ Hi. Trải qua chính biến Tân Dậu, cuối cùng Từ Hi đã đoạt được chính quyền, từ đó bắt đầu "buông rèm nhiếp chính" dài mấy chục năm của mình. Thời kỳ Vãn Thanh, Từ Hi luôn nắm giữ đại quyền trong triều, mọi chuyện lớn nhỏ đều một tay bà định đoạt, hoàng đế chẳng qua chỉ là bù nhìn mà thôi. Ví dụ như vua Quang Tự, trong cuộc Bách Nhật duy tân đã bị Từ Hi giam cầm, 6 vị quân tử tham gia vào chính biến đều bị xử tử, hoàng đế cũng chỉ có thể đứng nhìn tất cả mà không làm được gì.
Từ tình hình thực tế có thể thấy, Từ Hi Thái Hậu là người cầm quyền của triều Thanh khi ấy, bà nắm giữ đại quyền trong nhiều năm, cho tới khi qua đời. Do trong thời kỳ Từ Hi nắm giữ chính quyền, Trung Quốc đã xảy ra rất nhiều sự kiện to lớn, bà cũng trở thành một trong những nhân vật được quan tâm nhiều nhất thời cận đại của lịch sử Trung Quốc. Các nhà sử học cũng có nghiên cứu khá sâu về các sự tích về bà. Cho dù là đã trải qua nhiều năm nhưng ảnh của Từ Hi vẫn luôn được lưu giữ tới ngày nay. Khi máy ảnh của phương Tây du nhập vào Trung Quốc, Từ Hi cũng rất hứng thú với món đồ mới lạ này, thế nên đã chụp rất nhiều ảnh để lại, hiện ảnh của Từ Hi Thái Hậu cũng được bảo tàng của Mỹ lưu trữ.
Trong những năm cuối đời, tâm lý của Từ Hi có những sự biến đổi rất lớn, bà luôn cho rằng bản thân mình là Quan Thế Âm Bồ Tát chuyển thế, thế nên thường xuyên ăn vận thành thể như Bồ Tát, bà cũng bắt đầu tín Phật. Thái giám Lý Liên Anh còn đặc biệt xây dựng một tòa tượng Phật lớn cho bà, còn nhân lúc đó tôn xưng Từ Hi là "Lão Phật Gia". Điều này cũng đã chứng minh được quyền lực to lớn trong tay của Từ Hi khi ấy, như thể muốn nói buông rèm nhiếp chính cũng là ý trời. Vì thế Từ Hi để lại rất nhiều hình ảnh với phong cách ăn mặc kỳ lạ của mình.
Từ bức ảnh không khó để có thể nhìn ra, những năm cuối đời, Từ Hi vẫn bảo dưỡng được dung nhan rất tốt, không thể nhận ra được là khi ấy bà đã hơn 70 tuổi. Sắc mặt bình thản, không có bất kỳ biểu cảm nào, trong ánh mắt cũng chứa đựng sự hung ác và lạnh lùng.
Những trang sức vật dụng của Từ Hi cũng đều là những bảo vật có giá trị to lớn, từ đầu đến chân đều là châu báu ngọc ngà. Từ Hi còn xây dựng một căn mật thất, bên trong chứa đầy vàng bạc châu báu. Trong khi đó, quốc khố đã bị vơ vét cạn kiệt, bà lại chỉ lo tận hưởng một mình. Cuộc đời của Từ Hi gây nhiều tranh cãi, chẳng trách mà nhiều người có đánh giá không tốt về bà.
Theo Vũ Phong / Công lý & xã hội