BS. Trần Văn Phúc: Từ bài học Delta, không được phép lơ là với Lambda!

Google News

Dù số ca nhiễm còn tương đối nhỏ và chưa đủ sức cạnh tranh với siêu lây nhiễm Delta, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng lo ngại Lambda có tốc độ lây nhiễm nhanh và đặc biệt là kháng vắc xin. 

Cần theo dõi chặt
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Lambda xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2020 tại thủ đô Lima (Peru), sau đó nhanh chóng lan rộng tại nước này. Theo ông Pablo Tsukayama, nhà virus học của Đại học Cayetano Heredia tại Lima, người dân Peru đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19 từ khi có sự xuất hiện của biến thể Lambda. Hiện có hơn 80% trường hợp nhiễm COVID-19 mới tại nước này có liên quan đến biến thể Lambda (kể từ tháng 4/2021).
BS. Tran Van Phuc: Tu bai hoc Delta, khong duoc phep lo la voi Lambda!
Delta chưa qua, Lambda đã đến
Sau khi phát tán tại Peru, biến chủng virus Corona Lambda tiếp tục tấn công khu vực Nam Mỹ (Ecuador, Chile, Argentina, Brazil). Tại Châu Á, Nhật Bản đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên mang biến thể mới vào ngày 20/7, là một công nhân người Nhật trở về từ Peru.
Hiện các nhà khoa học cho rằng, biến thể Lambda nằm trong số các biến thể “được tiếp tục theo dõi chặt".
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: SARS-CoV-2 là một chủng virus với cấu trúc di truyền ARN sợi đơn, có kích thước dài nhất trong số các virus. Sinh học phổ thông dạy cho chúng ta biết rằng, một sợi ARN dài như vậy sẽ rất dễ đột biến. Alpha, Beta Gamma, Delta và Lambda… xuất hiện là vì thế.
Hiện, nếu so sánh số ca nhiễm với siêu lây nhiễm Delta, thì biến chủng Lambda “chưa là gì”. Điều đáng nói, khi Delta vẫn còn chưa “hạ đỉnh” thì khó có khả năng Lambda hay một biến thể nào khác vượt mặt. 
Tuy nhiên điều này không có nghĩa chúng ta được phép lơ là với Lambda. "Tôi nghĩ bất kỳ khi nào một biến chủng được xác định và cho thấy khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, bạn đều phải lo lắng", BS. Trần Văn Phúc cảnh báo.
Trường hợp Delta là một ví dụ để cho thấy chúng ta không được chủ quan. Mức độ lây nhiễm ban đầu của Delta không quá nhanh. Với chủng hoang dã ban đầu, trong năm 2020 Mỹ kéo dài 9 tháng mới đạt tới con số 100.000 ca nhiễm mỗi ngày, nhưng với biến thể Delta năm nay chỉ mất đúng 6 tuần. Ấn Độ chỉ mất đúng 6 tuần để số ca nhiễm mỗi ngày gấp 4 lần so với đỉnh dịch năm ngoái. Nhìn lại tốc độ lên đỉnh của Delta quá khủng khiếp.
Bài học của Delta cho thấy chúng ta không được phép mất cảnh giác. 
Lambda có khả năng kháng vắc xin?
Mặc dù chưa thể cạnh tranh với Delta tuy nhiên nhiều người lo ngại Lambda có thể kháng vắc xin.
Theo kết quả phân tích gene ban đầu, biến thể Lambda có 5 đột biến gen mới, trong đó 3 đột biến là RSYLTPGD246-253N, 260L452Q, F490S có khả năng chống lại hoặc trung hòa kháng thể trong vắc xin và 2 đột biến là T76I, L452Q có khả năng thoát miễn dịch mạnh hơn so với biến thể Delta.
BS. Tran Van Phuc: Tu bai hoc Delta, khong duoc phep lo la voi Lambda!-Hinh-2
Hiện tất cả các loại vắc xin đều đủ khả năng bảo vệ cơ thể trước các biến chủng virus đã biết. 
Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ cho thấy biến thể Lambda ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của vắc xin.
“Chúng ta cần thêm dữ liệu dựa trên hiện tượng nhiễm virus trong ống nghiệm, trên mô hình động vật và thử nghiệm kháng thể trung hòa. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hiện tất cả các loại vắc xin đều đủ khả năng bảo vệ cơ thể trước các biến chủng virus đã biết”, TS. Pablo Tsukayama đến từ Peru cho biết.
Tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, đại dịch ắt bị đẩy lùi 
Phù hợp với nhận định này, các nghiên cứu hiện tại vẫn chỉ ra rằng vắc xin do nhiều công ty phát triển hiện nay vẫn có thể duy trì khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới. 
Theo BS. Trần Văn Phúc, cách duy nhất để ngăn chặn và kiểm soát sự lan rộng của biến chủng virus COVID-19 mới chính là tiêm chủng vắc xin rộng rãi cho người dân. Đây là một cuộc chạy đua để tiêm chủng vắc xin bao phủ đầy đủ cho cộng đồng trước khi các biến chủng mới phát triển đủ khả năng kháng lại các biện pháp phòng ngừa.
Cùng với vắc xin, các nhà khoa học cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu để có phương án đối phó kịp thời với các loại biển chủng mới; phát triển vắc xin có khả năng chống lại các loại biến chủng của virus SARS-CoV-2, phù hợp với cơ địa của người dân các khu vực khác nhau, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin cũng như thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra, BS. Trần Văn Phúc nhấn mạnh, trong đại dịch người dân cần học cách tự bảo vệ để bản thân không bị lây nhiễm và không lây nhiễm cho người khác.
“Tháng trước tôi đi viếng đám ma, nhìn thấy một nhóm người đi viếng. Họ bảo nhau làm phong bì nhanh chóng để viếng rồi về, tránh tụ tập đông người. Họ cho tiền vào phong bì, đưa lên miệng nhấm nước bọt, rồi lấy tay vuốt vuốt. Cô trưởng nhóm cầm phong bì, thấy dán chưa kĩ, lại đưa lên miệng thè lưỡi ra liếm, rồi lấy tay vuốt vuốt. Tương tự đưa tay lên miệng nhấm nước bọt rồi đếm tiền là hành vi phổ biến”.
Theo BS. Trần Văn Phúc, hãy học cách bảo vệ mình và cộng đồng bằng cách bắt đầu thay đổi hành vi để tạo thành thói quen tốt như giữ vệ sinh tốt, làm việc từ xa, đeo khẩu trang, thông gió tốt, bị ốm nghỉ ở nhà, đi xe đạp thay vì ngồi lên phương tiện giao thông công cộng, tránh những chuyến bay không cần thiết...
Mỗi người có ý thức như vậy thế giới sẽ hết đại dịch.
BS. Tran Van Phuc: Tu bai hoc Delta, khong duoc phep lo la voi Lambda!-Hinh-3
BS. Tran Van Phuc: Tu bai hoc Delta, khong duoc phep lo la voi Lambda!-Hinh-3

Mời độc giả xem video: Điều trị bệnh gút hiệu quả bằng Đông y. Nguồn: VTC Now.


Sơn Hà