Bí quyết của "thợ săn" giỏi nhất trong tự nhiên

Google News

Không phải báo hay sư tử, chuồn chuồn mới là "thợ săn giỏi nhất" trong tự nhiên, với tỷ lệ săn mồi thành công lên tới 97% nhờ tầm nhìn phi thường.

Theo Mark Belk, nhà sinh thái học tiến hóa tại Đại học Brigham Young, rất khó để đánh gia loài vật nào săn mồi giỏi nhất. Ông cho biết: “Có rất nhiều kiến thức sinh thái học và sinh học tiến hóa thú vị liên quan đến câu hỏi này. Việc săn mồi hóa ra lại là chất keo gắn kết mọi thứ lại với nhau - đó là cách mà năng lượng truyền qua các hệ sinh thái”.

Bi quyet cua

Chuồn chuồn là một thợ săn mồi xuất sắc với đôi mắt kép và khả năng di chuyển cánh độc lập (Ảnh: Getty Images)

Để đo năng lực săn mồi của một loài, ta sẽ xem xét tới tỷ lệ săn mồi thành công của chúng, nghĩa là xem xét số lần săn mồi thành công trên tổng số lần đi săn. Tính theo số liệu này, các loài mà chúng ta thường liên tưởng đến như sư tử, hổ, chó sói lại không phải là thợ săn giỏi nhất. Sư tử chỉ có 30% tỷ lệ đi săn thành công, trong khi tỷ lệ này ở hổ chỉ là 10%. Thay vào đó, một loài vật dễ bị bỏ qua đã giành được ngôi vị quán quân. Đó là chuồn chuồn, với tỷ lệ săn mồi thành công lên tới 97%.

Sự thành công của chuồn chuồn một phần đến từ tầm nhìn phi thường của chúng. Chuồn chuồn và các loài họ hàng có đôi mắt kép giúp chúng có khả năng nhìn 360 độ, đồng thời bộ não của chúng có khả năng xử lý thông tin cảm giác cực kỳ nhanh chóng, cho phép chúng dự đoán nơi con mồi sẽ di chuyển. Chuồn chuồn cũng có khả năng điều khiển cánh trước và cánh sau một cách độc lập, giúp chúng thậm chí có thể phóng ngược về phía sau.

 Tuy nhiên, cũng có những phương diện khác để đánh giá sự thành công trong việc đi săn, theo Belk. Trên phương diện động vật săn mồi theo kiểu nằm chờ, kiên nhẫn đợi con mồi tới, trăn mới là quán quân. Belk nói: “Một con trăn lớn có thể chỉ nằm một chỗ và chờ đợi. Khi con mồi phù hợp xuất hiện, chúng sẽ tóm gọn con mồi và giết chết. Điều này chỉ có thể xảy ra hai tới ba lần một năm”.

 Một thước đo khác về năng lực săn mồi của loài vật là khả năng thích ứng. Trên phương diện này, Jason Fisher - nhà sinh vật học hoang dã tại Đại học Victoria, Canada - cho biết chó sói đồng cỏ mới xứng đáng là quán quân vì chúng có khả năng săn mồi độc lập hoặc theo nhóm và ăn thịt mọi thức từ nai sừng tấm đến chuột. Tính linh hoạt đã giúp chúng phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các môi trường sống, bao gồm cả các thành phố nơi đông dân cư.

Vậy loài vật nào là thợ săn kém nhất? Fisher cho biết, ở một khía cạnh nào đó, đây còn là một câu hỏi khó trả lời hơn. Xét về mặt kỳ lạ, chồn sói là loài săn mồi kém nhất vì trong thời kỳ khó khăn, chúng cần dựa vào việc nhặt thức ăn thừa. Fisher nói: “Chúng có hình dáng rất kỳ lạ và chiến lược của chúng cũng kỳ quái. Chồn sói săn mồi bằng cách lao tới trước mặt con mồi và khiến chúng hoảng sợ bằng tiếng hét của mình. Nếu nó không hoạt động hiệu quả thì thật xui xẻo”.


Theo VTV