Phát hiện tình cờ
Một ngày nọ vào năm 1963, khi đang sửa nhà, một người dân địa phương vùng Cappadocia – Thổ Nhĩ Kỳ dùng búa để phá bỏ tầng hầm và phát hiện ra một cái hố lớn dẫn đến một căn phòng khổng lồ. Men theo căn phòng này, anh ta nhìn thấy lối vào sâu thẳm giống như mê cung được chạm khắc tỉ mỉ.
Thấy có điều kỳ lạ, anh ta bèn báo lại chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu đã được huy động để thực hiện công tác khai quật kéo dài đến độ sâu khoảng 85 mét (279 feet).
Lối đi vào thành phố ngầm. Hình ảnh: Weseektravel.com
Kết quả cuộc khai quật đã tiết lộ quy mô thực sự vo khám phá vô tình của người đàn ông may mắn này – siêu thành phố khổng lồ dưới lòng đất được kết nối thông qua một mê cung đường hầm phức tạp trải rộng gần 7.000 feet vuông (khoảng 650.32 mét vuông).
Sau quá trình xác thực thì các nhà khoa học công nhận đây chính là siêu thành phố ngầm cổ đại mang tên Derinkuyu. Với ước tính của bộ văn hóa nước này, họ cho rằng Derinkuyu có niên đại khoảng gần 3.000 năm tuổi và được xây dựng sớm nhất là vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên. Mặc dù không ai có thể chắc chắn, nhưng các ước tính khảo cổ học hiện cho thấy rằng người Hittite hoặc người Phrygian sơ khai (một dân tộc nói tiếng Ấn-Âu cổ đại) lần đầu tiên bắt đầu chạm khắc đá núi lửa mềm để hình thành thành phố ngầm sơ khai.
Bản đồ thành phố ngầm. Hình ảnh: Weseektravel.com
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là ước tính niên đại này chỉ dựa trên những câu chuyện kể từ khi dân cư bắt đầu sinh sống ở đây. Do đó, hoàn toàn có khả năng thành phố này có thể lâu đời hơn rất nhiều và người Hittite hay Phrygian chỉ đơn giản là một trong nhiều nền văn minh đã sử dụng nó.
Siêu thành phố ngầm
Derinkuyu là một thành phố hang động cực kỳ hấp dẫn và hoàn chỉnh với 18 tầng gồm chuồng gia súc, mồ mả, nhà bếp chung, phòng ngủ, phòng chứa đồ, nhà máy rượu và thậm chí cả một trường học tôn giáo. Các phòng có kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. Không gian nhỏ là những ngôi mộ cắt đá, trong khi không gian lớn hơn dành cho các cuộc họp cộng đồng và trường học.
Kết cấu tuyệt đẹp bên trong thành phố ngầm. Hình ảnh: Weseektravel
Thành phố này được tạo nên bởi rất nhiều những ngôi nhà dưới lòng đất có hệ thống thông gió khéo léo cho phép tối đa 20.000 người sống bên dưới mặt đất cùng với gia súc, vật tư và thực phẩm dự trữ của họ.
Được đánh giá là một trong những kỳ quan địa chất tuyệt đẹp tại Cappadocia, Derinkuyu thu hút một lượng lớn khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người, đặc biệt là những ai yêu thích lịch sử đều mơ ước có 1 lần được đến thăm nơi đây. Thời gian mở cửa là từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối vào mùa hè và 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào mùa đông.
Bản đồ cho thấy sự thông minh trong việc xây dựng của con người cổ đại. Hình ảnh: Bigthink
Derinkuyu đã mở cửa cho khách du lịch từ năm 1969 và được thêm vào danh sách Di sản Thế giới năm 1985. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ đã phong tỏa phần lớn các phòng, kênh đào và lối đi hành lang. Kết quả là du khách chỉ được phép tiếp cận, thăm thú và trải nghiệm 10% diện tích của thành phố ngầm.
Chuồng ngầm - khu vực dành cho động vật đã thuần hóa như ngựa, dê, bò, gà và các động vật và gia súc được thuần hóa khác. Phòng chăn nuôi có đường hầm bị bịt kín. Hình ảnh: Weseektravel.com
Lỗ hổng được khoét trên cột. Hình ảnh: Weseektravel.com
Ngoài ra, nếu nhìn kỹ vào những tảng đá, du khách sẽ thấy những lỗ hổng được khoét trên thân cột. Điều này là có chủ ý và rất có thể nó được dùng làm điểm buộc dây thừng để giữ động vật. Theo quan điểm của các chuyên gia, việc nuôi gia súc ở tầng trên cùng của thành phố là một bước đi thông minh, vì như vậy sẽ không có chất thải động vật nào có thể lọt xuống khu vực sinh sống.
Cửa cuốn đá lớn trong đường hầm chật hẹp. Hình ảnh: Weseektravel.com
Đi bộ qua các hành lang và đường hầm hẹp ở các tầng trên, hãy để mắt đến những cánh cửa cuốn kiểu bánh xe khổng lồ. Cư dân thành phố đã sử dụng đòn bẩy để lăn những cánh cửa khổng lồ, nặng nề này qua các đường hầm để ngăn chặn những kẻ xâm lược. Điều này, kết hợp với trần nhà thấp đóng vai trò là cơ chế phòng thủ chính để đảm bảo những kẻ xâm lược không thể xông vào thành phố.
Nhà thờ Derinkuyu và cột trừng phạt ở giữa căn phòng. Hình ảnh: Weseektravel.com
Một trong những căn phòng lớn nhất ở thành phố ngầm Derinkuyu thực tế là nhà thờ Thiên chúa giáo. Nếu nhìn kỹ, mọi người sẽ thấy hội trường lớn và phòng họp này chia thành các đường hầm tạo thành hình chữ thập dẫn đến một nhà cầu nguyện nhỏ hoặc nhà thờ Cruciform.
Ngoài ra còn có một cột trừng phạt ở giữa căn phòng. Một thành phố có đến 20.000 người cần có trật tự kỷ luật và những người cai trị hoặc những người lãnh đạo sẽ sử dụng đòn roi cho những người phạm tội trên cây cột này tại nhà thờ Derinkuyu.
Nơi đây có hàng tá các phòng trống rất lớn khác. Nhiều trong số này được dùng để chứa thực phẩm, nông sản, dụng cụ lao động, máy ép dầu ô liu và các nhu yếu phẩm cần thiết cho công việc và cuộc sống của người dân.
Nhìn xuống giếng nước được chạm khắc hoàn hảo. Hình ảnh: Weseektravel.com
Ở các tầng thấp hơn của Derinkuyu, du khách sẽ khám phá ra những giếng nước nối với các hồ chứa khổng lồ dưới lòng đất. Điều này cho phép 20.000 người tiếp cận với nguồn nước tinh khiết sạch sẽ! Tuy nhiên, các hồ chứa này hiện đã khô cạn.
Trục thông gió tại thành phố ngầm Derinkuyu. Hình ảnh: Weseektravel.com
Đi xuống các tầng thấp hơn, du khách có thể sẽ bắt gặp các trục thông khí chính hoặc trục thông gió. Chúng nối trực tiếp lên mặt đất và được thiết kế khéo léo để cung cấp luồng không khí trong lành vào một trục trong khi luân chuyển không khí hôi bẩn qua trục kia.
Hàng ghế bằng đá cho học sinh ngồi. Hình ảnh: Weseektravel.com
Một trong những điểm độc đáo nhất của Derinkuyu mà các nhà sử học và khảo cổ học chưa phát hiện ra ở các thành phố ngầm Cappadocia khác là một ngôi trường tôn giáo rộng và có mái vòm. Sự hiện diện của nó cho thấy rằng những người sinh sống ở đây có ý định định cư dưới lòng đất trong một thời gian khá dài.
Hầm rượu. Hình ảnh: Weseektravel.com
Có thể thấy, phát hiện tình cờ nhưng vĩ đại trong ngôi nhà của người đàn ông địa phương thật sự khiến nhân loại phải ngạc nhiên về sự vĩ đại và trí tuệ của người cổ đại.
Theo Diệu Thuý/Báo Tổ quốc