June Almeida - một nhà virus học người Scotland với công trình mang tính đột phá vào những năm 1960, phát hiện ra loại virus corona đầu tiên ở người. Phát hiện của Almeida tạo bước ngoặt trong lĩnh vực virus học, mở đường cho các nghiên cứu sâu hơn về virus corona và tác động tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe con người.
|
June Almeida là nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra virus corona. |
Bỏ học giữa chừng vì khó khăn kinh tế
June Almeida sinh năm 1930 ở TP Glasgow, Scotland. Cha bà làm tài xế xe buýt, mẹ làm nhân viên giặt là. Lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp lao động, Almeida al lại có niềm đam mê khoa học ngay từ nhỏ. Bà là đứa trẻ tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và luôn đặt câu hỏi về cách mọi thứ hoạt động.
Không có tiền trả học phí, bà buộc phải rời trường học năm 16 tuổi và bắt đầu làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Hoàng gia Glasgow, sau đó là Hội đồng Nghiên cứu Y tế (MRC), theo The New York Times.
Chính tại MRC, Almeida lần đầu tiên quan tâm đến kính hiển vi điện tử. Công nghệ này cho phép các nhà nghiên cứu hình dung virus và các hạt vi mô khác một cách chi tiết hơn so với khả năng của kính hiển vi truyền thống. Almeida trở thành chuyên gia trong việc sử dụng kính hiển vi điện tử và bắt đầu áp dụng nó vào công việc nghiên cứu virus.
Phát hiện mang tính bước ngoặt nhưng bị từ chối
Năm 1960, Almeida chuyển đến London đảm nhận một vị trí tại Đơn vị Nghiên cứu Cảm lạnh Thông thường (CCU) thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y học Anh.
Một ngày nọ, quản lý của CCU, Tiến sĩ Tyrrell thu được mẫu virus giống hình vương miện, nghi là virus cúm. Tyrrell ghi nhãn cho loại virus này là B814, nhưng ông đã thất bại khi nuôi cấy nó trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ rằng B814 có thể là virus hoàn toàn mới.
Tiến sĩ Tyrrell gửi mẫu cho Almeida, hy vọng rằng kỹ thuật kính hiển vi điện tử của bà có thể giúp nhận dạng virus nhưng ông không kỳ vọng quá nhiều. Tuy nhiên, những phát hiện của bà vượt quá sự mong đợi của Tyrrell. Almeida không chỉ quan sát và tạo ra hình ảnh rõ ràng về virus, mà khẳng định đã phát hiện ra hai virus tương tự trong nghiên cứu của bà trước đó.
Tuy vậy, nghiên cứu đã bị hội đồng thẩm duyệt từ chối xuất bản, viện dẫn lý do những bức ảnh chụp của Almeida chỉ là hình ảnh kém chất lượng về các hạt virus cúm, nhưng sâu xa, bà hiểu vì bản thân không có bằng cấp và địa vị khoa học.
|
Almeida cống hiến cả cuộc đời cho lĩnh vực virus học bất chấp những thách thức và phân biệt đối xử. |
Virus này sau đó được Tyrrell và Almeida đặt tên là corona (nghĩa là "vương miện" trong tiếng Latinh). Năm 1967, những bức ảnh về virus B814 được công bố. Nhà khoa học nữ nổi danh đến mức rất nhiều bác sĩ nổi tiếng trên thế giới đã tìm đến học hỏi phương pháp bóc tách làm lộ hình hài con virus của bà.
Almeida tiếp tục làm việc trong lĩnh vực virus học trong suốt sự nghiệp của mình. Vào những năm 1970, bà chuyển đến Canada, làm việc tại Viện Ung thư Ontario và Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia. Nghiên cứu của bà về bệnh sởi Đức/Rubella đã giúp phát triển vắc xin sởi đầu tiên và hiện trở thành một phần trong lịch trình tiêm vắc xin tiêu chuẩn cho trẻ em trên toàn thế giới.
Vào những năm 1980, Almeida trở lại Anh, làm việc trong một phòng thí nghiệm ở thị trấn Beckenham. Tại đây, bà đã giúp tiến hành một trong những xét nghiệm chẩn đoán HIV đầu tiên - bước đột phá lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch AIDS.
"Tôi không có gì ngoài sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm"
Tuy đạt nhiều thành tựu, Almeida phải đối mặt với những thách thức và sự phân biệt đối xử xuyên suốt sự nghiệp của mình, chỉ vì bà là một phụ nữ trong khoa học. Bà vừa phải vượt qua sự gièm pha về xuất thân bị cho là thấp kém do không có bằng cấp, cũng như nạn phân biệt giới tính.
Trong một cuộc phỏng vấn với tuần san y khoa The Lancet, Almeida nói: "Tôi không có bằng cấp, không có tiền và cũng không có bạn bè có tầm ảnh hưởng. Tất cả những gì tôi có tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm".
“Không còn nghi ngờ gì nữa, Almeida là một trong những nhà khoa học Scotland xuất sắc nhất thời bấy giờ. Nhưng điều đáng buồn là bà ấy gần như bị lãng quên trong suốt thời gian dài”, giáo sư Hugh Pennington tại Đại học Aberdeen, Scotland trả lời National Geographic.
“Mãi đến khi dịch Covid-19 bùng phát, người ta mới nhớ lại những công trình nghiên cứu và đóng góp to lớn của bà cho khoa học.”
Công trình của Almeida đã mở đường cho các nghiên cứu sâu hơn về coronavirus, bao gồm cả những loại gây ra dịch SARS, MERS và Covid-19. Di sản của bà vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nhà virus học và nhà khoa học, những người tiếp tục nghiên cứu những loại virus mới và phát triển các phương pháp điều trị cũng như vắc xin để chống lại chúng.
Theo Tử Huy/Vietnamnet