Ngày 27/7, Falmira De Jesus, 38 tuổi, công nhân đồn điền dầu cọ lấy nước từ ở đầm lầy phủ đầy cỏ dại ở Ketapang Regency, tỉnh Tây Kalimantan, Indonesia mà không biết rằng có một con cá sấu đang ẩn nấp phía dưới.
Khi Falmira đến gần, con bò sát hung dữ đã chồm lên, kéo cô xuống nước. Bà mẹ hai con dùng hết sức lực chiến đấu chống lại con cá sấu và hét lên để được giúp đỡ. Nghe thấy tiếng kêu cứu, các nhân viên khác đã chạy đến giúp đỡ cô.
Đoạn clip ghi lại được cho thấy, người phụ nữ bị kéo xuống nước và chỉ nhìn thấy phần đầu. Falmira dần chìm xuống khi con cá sấu cố gắng kéo cô ra xa, trong khi những người công nhân đang điên cuồng dùng sào để giải cứu Falmira.
Người dân địa phương cho biết, con cá sấu đã giữ Falmira trong khoảng 90 phút. Các đồng nghiệp của cô quá sợ hãi nên không dám xuống nước vì sợ sẽ bị con cá sấu tấn công. Cuối cùng, lực lượng cứu hộ đã đến hiện trường và cứu Falmira ra khỏi đầm lầy. Cô được đưa đến bệnh viện với những vết thương nặng ở tay và chân.
Falmira nói: "Tôi đau đớn khi bị con cá sấu tấn công và không thể thoát ra. Rồi tôi bắt đầu cảm thấy mình yếu đi. Tôi nghĩ rằng mình sẽ chết vì rơi xuống nước.
Dù nằm trọng bệnh viện nhưng tôi vẫn có thế nhìn thấy con cá sấu trong tâm trí mình và cảm nhận được nó trên cơ thể. Tôi rất biết ơn những người đã giúp tôi trốn thoát. Họ đã cứu mạng tôi".
Cảnh sát cho biết, Falmira đang hồi phục tại bệnh viện với những vết thương sâu ở cánh tay phải, đùi và cẳng chân.
Truyền thông địa phương đưa tin rằng Falmira đang hồi phục trong sự chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Imanudin. Các bác sĩ đang theo dõi tình trạng của cô vì sợ những vết cắn nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Quần đảo Indonesia là nơi sinh sống của 14 loại cá sấu, với một số lượng lớn cá sấu cửa sông cực kỳ lớn và hung dữ.
Các nhà bảo tồn tin rằng cá sấu đã bị đẩy vào sâu trong đất liền gần các ngôi làng hơn do đánh bắt quá mức làm giảm nguồn cung cấp thức ăn tự nhiên của cá sấu kết hợp với việc mất môi trường sống do sự phát triển của các khu vực ven biển thành các trang trại.
Việc những người dân địa phương vẫn sử dụng sông để tắm và đánh bắt cá thô sơ là những yếu tố dẫn đến số vụ cá sấu tấn công ngày càng tăng.
Theo Hải Vân/Người Đưa Tin