Ngày nay việc ướp xác vẫn đang ẩn chứa nhiều điều kỳ bí mà các nhà khoa học chưa thể giải đáp. Việc các xác ướp mặc dù đã trải qua hàng nghìn năm nhưng vẫn nguyên vẹn, chưa có dấu hiệu của việc hoại tử không còn quá xa lạ. Thế nhưng một xác ướp cách đây 2000 năm vẫn đang là thách thức chờ các nhà khoa học giải đáp.
Sau 2000 năm xác ướp vẫn có da, lông tóc nguyên vẹn, máu vẫn còn trong tĩnh mạch
Vào năm 1971, khi các công nhân ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đang đào đất thì bất ngờ phát hiện một ngôi mộ đồ sộ. Các nhà khoa học và khảo cổ học lập tức được gọi đến để xem xét xác ướp bên trong ngôi mộ này, từ đó mở ra hàng loạt những bí ẩn khó hiểu mà cho đến tận ngày nay, người ta vẫn phải đặt một dấu hỏi lớn...
Sau quá trình tìm hiểu, các nhà khoa học xác định đó là xác ướp của người phụ nữ tên Xin Zhui, hay còn gọi là Lady Dai (Phu nhân Đại), vợ của Hầu tước Đại, sống ở triều đại Nhà Hán (206 Trước Công Nguyên - 220 Sau Công nguyên). Bà Xin Zhui được xác định qua đời vào năm 163 TCN, đồng nghĩa với việc xác ướp của bà đã có niên đại hơn 2000 năm tuổi. Quãng thời gian không hề nhỏ để cơ thể con người bị phân hủy, dù là có được bảo quản bằng hóa chất hay nhiệt độ.
Xác ướp của bà Xin Zhui, hay còn được gọi dưới cái tên phu nhân Đại được coi là xác ướp được bảo quản tốt nhất thế giới đến thời điểm hiện tại.
Điều kỳ lạ khiến các nhà khoa học phải giật mình là da dẻ người phụ nữ này vẫn khá mềm mại, mái tóc vẫn đen nhánh và dày, thậm chí các khớp tay chân vẫn có thể co duỗi bình thường và điều đáng kinh ngạc hơn cả là trong tĩnh mạch của xác ướp này vẫn còn có máu chảy. Từ đó đến nay, thi thể của bà Xin Zhui đã được công nhận rộng rãi là xác ướp được bảo quản tốt nhất trong lịch sử và cũng là xác ướp bí ẩn nhất trên thế giới.
Xác ướp kỳ lạ nhất thế giới
Bên trong hầm mộ có quy mô lớn của người phụ nữ có địa vị cao trong xã hội thời đó, các nhà khảo cổ còn phát hiện hơn 1.000 cổ vật quý giá, bao gồm nhiều tấm áo lụa, đồ trang điểm, đồ dùng vệ sinh, hàng trăm mảnh sơn mài và 162 hình chạm khắc bằng gỗ tượng trưng cho những người hầu từng phục vụ bà.
Một bữa ăn thậm chí còn được chuẩn bị cẩn thận để phục vụ cho cuộc sống ở thế giới bên kia của chủ nhân ngôi mộ.
Bên cạnh cấu trúc ấn tượng cũng như tình trạng hầu như nguyên vẹn sau gần 2.000 năm tồn tại của ngôi mộ, điều gây sửng sốt nhất với các nhà khoa học là tình trạng vật lý của xác ướp.
Thi thể bà được quấn trong 20 lớp áo lụa, ngâm trong loại chất lỏng đặc biệt, đặt bên trong quan tài 4 lớp đóng kín, xen lẫn các lớp than củi và bịt kín bằng đất sét nhằm tránh vi khuẩn xâm nhập.
Khi được khai quật, làn da của bà Xin Zhui vẫn mềm mại khi chạm vào với độ ẩm và độ đàn hồi nhất định. Mái tóc còn nguyên như lúc còn sống, cũng như lông mày và lông mi.
Dù nằm dưới lòng đất 2.000 năm, các cơ quan trong cơ thể của xác ướp vẫn ở trong tình trạng tốt.
Khả năng bảo quản xác ướp cao đến mức, các nhà khảo cổ chỉ ra rằng cơ thể của bà Xin Zhui sau hơn 2 thiên niên kỷ ở trong tình trạng tương tự với một người vừa mới qua đời.
Tuy nhiên, phần da của bà Xin Zhui ngay lập tức bị tổn thương khi lượng oxy trong không khí chạm vào cơ thể bà, tạo ra hiện tượng oxy hóa và làm xác ướp xấu đi so với ban đầu. Do đó, những hình ảnh hiện tại của bà mà người xem chiêm ngưỡng không còn giống với khi xác bà mới được khai quật. Song nhờ giải phẫu học, giới chuyên môn đã phục dựng lại nhan sắc xinh đẹp khi còn trẻ của bà.
Khám nghiệm sâu hơn, các nhà nghiên cứu còn ngạc nhiên hơn khi phát hiện tất cả các cơ quan bên trong của thi thể đều còn nguyên vẹn, các tĩnh mạch vẫn chứa máu. Nhờ đó, các nhà phân tích xác định vị phu nhân cao quý này có nhóm máu A.
Tái tạo nghệ thuật của bà Xin Zhui.
Những cục máu đông được tìm thấy trong tĩnh mạch cũng phần nào hé lộ nguyên nhân gây ra cái chết của bà Xin Zhui: một cơn đau tim.
Ngoài ra, người phụ nữ sống cách đây 2.000 năm cũng gặp một loạt các vấn đề về sức khỏe khác như sỏi mật, cholesterol cao, huyết áp cao và bệnh gan.
138 hạt dưa chưa tiêu cũng được tìm thấy trong dạ dày và ruột của xác ướp. Thông thường, những hạt dưa mất một giờ để tiêu hóa. Vì vậy, có thể coi đây là món ăn cuối cùng của vị phu nhân trước khi bà qua đời vì cơn đau tim đột ngột.
Khám nghiệm tử thi
Nằm sâu hơn 12 mét dưới lòng đất, ngôi mộ của bà Xin Zhui phần nào thể hiện vị trí cao quý của bà trong xã hội. Thi thể bà được đặt bên trong chiếc nhỏ nhất trong bốn chiếc quan tài, mỗi chiếc nằm trong một cái lớn hơn.
Một lớp đất dày được xác định là bột nhão lót sàn, toàn bộ đồ vật đều được bôi than hút ẩm và bịt kín bằng đất sét, có nhiệm vụ ngăn chặn oxy và vi khuẩn xâm nhập vào khu vực quan tài. Phần đỉnh ngôi mộ sau đó được niêm phong bằng lớp đất sét dày 1 mét, ngăn nước xâm nhập vào bên trong.
Được biết, các nhà nghiên cứu đã thực hiện cuộc khám nghiệm tử thi vào tháng 12/1972. Kết quả cho thấy bà đã chết ở tuổi 50. Mặc dù vậy bà vẫn sống thọ hơn chồng và con trai, vì cả hai đều được tìm thấy chôn trong cùng một ngôi mộ bên cạnh bà. Tuy nhiên, hài cốt của họ đã bị phân hủy theo thời gian và không còn giữ được nguyên vẹn như bà.
Nhan sắc thời trẻ của phu nhân Đại sau khi các nhà khoa học phục dựng.
Thi thể và lăng mộ của Xin Zhui được nhiều người coi là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của thế kỷ XX.
Ngoài việc chứa đựng một số hài cốt con người được bảo quản tốt nhất từng được khai quật ở Trung Quốc, nội dung trong ngôi mộ của Xin Zhui cung cấp những chi tiết chưa được tiết lộ trước đây về cuộc sống thời Hán. Xin Zhui hiện được đặt tại Bảo tàng tỉnh Hồ Nam và là đối tượng chính để nghiên cứu bảo quản thi thể.
Theo Linh Chi/Đời sống & Pháp luật