Bí ẩn về dấu tay trong "hang động của quái vật" giữa Sahara

Google News

Theo một nghiên cứu từ Đại học Tự do Brussels (Bỉ), những dấu vết hình bàn tay trong hang đá Wadi Sura II ở Sahara không phải của con người.

Bi an ve dau tay trong

Những dấu tay tí hon trong hang động Wadi Sura II 8.000 năm tuổi. Ảnh: Emmanuelle Honoré.

Những dấu ấn do con người tạo ra trên đá luôn được xem là kho tài liệu quý giá trong ngành Khảo cổ học. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tác giả của phần lớn dấu tay đó chính là trẻ em.

Theo một nghiên cứu từ Đại học Cantabria và Đại học Cambridge vào năm 2022, có tới 25% hình vẽ trong các hang động thời kỳ đồ đá ở Tây Ban Nha là của trẻ em, thậm chí cả trẻ mới biết đi.

Nhưng tự nhiên luôn ẩn chứa những điều bất ngờ thú vị. Chẳng hạn như trường hợp của hang động 8.000 năm tuổi Wadi Sura II, những dấu vết trông giống bàn tay trẻ nhỏ tại đây lại không phải do con người tạo ra.

Những "dấu tay" kỳ lạ

Khi hang Wadi Sura II được phát hiện ở Sa mạc phía Tây của Ai Cập (một khu vực của sa mạc Sahara) vào năm 2002, các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên trước hàng nghìn dấu vết bên trong. Ngoài hình vẽ động vật hoang dã, con người và những sinh vật không đầu, hang động này còn có hàng trăm dấu giống như tay người. Những dấu vết kỳ quái khiến Wadi Sura II được gọi là "hang động của quái vật".

Bi an ve dau tay trong

Những "dấu tay" nhỏ này không phải của con người. Ảnh: Emmanuelle Honoré.

Điều bất thường hơn nữa là sự xuất hiện của 13 dấu vết giống như tay trẻ sơ sinh. Thậm chí, người ta còn tìm thấy dấu của một bàn tay "em bé" nép vào bên trong một đôi tay người lớn.   

Trước khi tìm ra Wadi Sura II, con người từng phát hiện dấu tay và dấu chân trẻ nhỏ ở nhiều hang đá khác trên thế giới, nhưng chưa bao giờ thấy chúng ở Sahara - khu vực có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất hành tinh.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu từ Đại học Tự do Brussels (Bỉ) vào năm 2016, những dấu vết hình bàn tay nhỏ trong hang đá Wadi Sura II ở Sahara không phải của con người.

Vén màn bí ẩn

Năm 2006, nhà nhân chủng học Emmanuelle Honoré thuộc Đại học Tự do Brussels đã ghé thăm Wadi Sura II và phát hiện điều bất thường về những dấu vết hình bàn tay trẻ nhỏ.

"Chúng nhỏ hơn nhiều so với tay trẻ sơ sinh, các ngón tay quá dài," Honoré giải thích.   

Cảm thấy nghi ngờ, Honoré quyết định so sánh kích thước của dấu tay trong hang động với bàn tay của trẻ sơ sinh và cả trẻ sinh non từ một bệnh viện ở Pháp. Kết  quả cho thấy, khả năng cao những “dấu tay” nhỏ trong “hang quái vật” không phải là do con người gây ra.

Từ vị trí, đường nét cũng như hình dạng của các “ngón”, nhóm nghiên cứu kết luận rằng những “bàn tay” này rất linh hoạt và có khớp nối, đồng thời loại trừ khả năng chúng được in ra từ một khuôn bằng gỗ hoặc đất sét. 

Bi an ve dau tay trong

Những "dấu tay" tí hon có tỷ lệ gần nhất với chi trước của loài kỳ đà sa mạc. Ảnh: Live Science.

Honoré ban đầu nghi ngờ đó là dấu chân khỉ, nhưng so sánh cho thấy điều này không đúng. Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris đã đề nghị Honoré xem xét loài bò sát. Kết quả, "dấu tay em bé" có tỷ lệ gần nhất với chân trước của kỳ đà sa mạc, loài vẫn tồn tại trong khu vực Sahara cho đến ngày nay. Honoré đã xác định rằng những dấu “tay” trên đá được tạo ra bởi một con kỳ đà, cùng với ít nhất hai người cổ đại trưởng thành.

Phát hiện của Honoré cho thấy không chỉ con người mà các loài động vật cũng có thể tạo ra tranh vẽ trên đá.

“Chúng ta thường cho rằng thiên nhiên là thứ tách biệt với con người, nhưng qua phát hiện này, có thể thấy con người chỉ là một phần của thế giới tự nhiên rộng lớn",  Honoré nói.

Theo Kim Yên/Zing