Tại Ấn Độ, người ta đã tìm thấy một thân cây cổ thụ hơn trăm tuổi biết phun nước ồ ạt chỉ sau vài nhát chặt. Thông tin này được chia sẻ bởi ông Digvijay Singh Khati, một nhân viên đã nghỉ hưu của phòng Dịch vụ Lâm nghiệp Ấn Độ (IFS). Ông đã quay lại cảnh tượng này trong một khu rừng rụng lá khô và ẩm miền nam nước này. Trong video, ông dùng liềm để tạo ra một vết chặt nhỏ trên thân cây, khiến loại nước màu vàng cam và gần như không có vị gì từ đó bắn ra.
Ông Digvijay Singh Khati cũng cho biết, nguồn nước phun ra từ thân cây này là thức uống quen thuộc của dân đi rừng Ấn Độ. Họ thường sử dụng nó trong trường hợp bị lạc trong rừng.
|
Cây cổ thụ này là thức uống quen thuộc của dân đi rừng ở Ấn Độ. (Ảnh: AP)
|
Loại cây có khả năng phun nước này có tên khoa học là Terminalia elliptica, thuộc chi chiêu liêu, là một chi chứa khoảng 100-190 loài cây gỗ lớn trong họ Trâm bầu, phân bổ trong khu vực nhiệt đới, lá cây chỉ mọc trên đỉnh.
Terminalia elliptica có nguồn gốc ở miền nam và đông nam châu Á, dễ tìm thấy ở Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Terminalia elliptica có khả năng trữ nước trong mùa khô và được bao bọc bởi lớp vỏ có khả năng chống lửa. Cây có khả năng phun nước liên tục từ 4 đến 6 lít nước rồi dừng lại để đảm bảo dưỡng chất của nó không bị thất thoát quá nhiều.
Hiện tại, chưa báo cáo khoa học nào giải thích được cơ chế sinh học trên của loài cây này vì chỉ khoảng 5-10% trong số chúng có đặc tính như vậy.
Không chỉ có những cây cổ thụ Terminalia elliptica ở Ấn Độ, tại ngôi làng Dinoša nằm ở phía đông nam của Montenegro, một quốc gia nhỏ thuộc bờ biển Adriatic, có một cây cổ thụ biết tuôn nước xối xả từ thân cây. Dòng nước tuôn ra từ thân cây ở độ cao khoảng 1,5 m. Đặc biệt, mỗi khi trời mưa lớn, nước lại càng tuôn ra xối xả hơn khiến cho cây dâu cổ thụ này trông rất giống một đài phun nước khi nhìn từ xa.
|
# |
Theo người dân địa phương chia sẻ, cây cổ thụ có tuổi đời lên tới 100 đến 150 năm và hiện tượng lạ này đã xảy ra trong khoảng 30 năm trở lại đây. Hiện tượng này đã thu hút hàng nghìn du khách hiếu kỳ tới đây mỗi năm.
Các nhà khoa học cũng đánh giá đây là hiện tượng tự nhiên rất hiếm gặp trên thế giới. Theo góc độ khoa học, sở dĩ cây dâu cổ thụ tự động tuôn nước là do nguồn nước ngầm ở bên dưới thân cây. Áp suất nước tăng lên đến mức nước phun trào qua cây dâu.
Mỗi khi trời đổ mưa lớn, dòng nước ngầm bên dưới được đẩy lên cao, nước len qua những vết nứt, phần rỗng của cây và trào ra ngoài. Cũng vì vậy sau mỗi cơn mưa, mặc dù trời đã tạnh từ lâu, cây dâu cổ thụ vẫn phun nước xối xả.
Hiện tượng thường diễn ra trong vài ngày, tùy theo lượng nước của cơn mưa. Trong những ngày phun trào, người ta ước tính khoảng hàng chục lít nước phun lên mặt đất.
Người dân địa phương vô cùng thích thú khi chứng kiến hiện tượng độc nhất vô nhị này. Họ đã đặt tên chho cây cổ thụ này là “điều kỳ diệu của mẹ thiên nhiên ban tặng”. Mỗi lần cây dâu này phun nước, người dân lại nô nức kéo nhau tới xem.
Theo Nguyệt Phạm / Báo Giao Thông