Bí ẩn ngôi mộ hoàng đế Ai Cập Tutankhamun

Google News

Ngày 4.11.1922, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter tìm thấy lối vào ngôi mộ của Pharaoh Tutankhamun trong Thung lũng các vị Vua - nơi yên nghỉ của rất nhiều vị Pharaoh nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập. 

Hoàng đế thiếu niên Tutankhamun, vị vua đời thứ 18 thuộc Vương triều Ai Cập, lên ngôi năm 1332 trước Công nguyên lúc vừa tròn 9 tuổi. Đây là vị Hoàng đế trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Triều đại vua Tutankhamun được coi là thời kỳ hoàng kim rực rỡ nhất trong mọi triều đại Pharaoh.
Bi an ngoi mo hoang de Ai Cap Tutankhamun
Bên trong lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun. Ảnh: Daily Mail. 
Tuy nhiên, vào năm 1352 trước Công nguyên, khi vừa tròn 19 tuổi, Vua Tutankhamun đột ngột qua đời một cách bí ẩn.
Trải qua qua mấy nghìn năm, trong khi các ngôi mộ Hoàng gia Ai Cập đều đã bị đào bới gần hết và tất cả các hiện vật trong các lăng mộ này đều đã bị lấy trộm hết, thì riêng lăng tẩm của vua Tuttankhamun lại không tìm thấy dấu tích. Chính điều này đã thu hút nhiều sự quan tâm chú ý của giới khoa học.
Sau nhiều năm khảo cứu, với niềm tin rằng lăng mộ của Vua Tutankhamun nằm ẩn mình đâu đó ở Thung lũng của các nhà Vua ở Ai Cập, ngày 4.11.1922, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter và nhà tài trợ Lord Carnarvon đã tìm thấy ngôi mộ của vua Tutankhamun ở một góc khuất tại Thung lũng của những vị vua - thành phố Luxor, cách thủ đô Cairo 700km ngược dòng sông Nile. Nếu như khoảng 2.500 năm trước Công nguyên, các vị vua chuẩn bị cho mình một phần mộ khổng lồ như kim tự tháp, thì khoảng thời gian từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 11 trước Công nguyên, các Pharaoh lại xây dựng các lăng mộ ngầm dưới lòng đất.
Cho đến lúc nhóm khai quật của Carter tìm thấy các bước dẫn đến ngôi mộ của Tutankhamun, thì ngôi mộ Pharaoh vẫn là ngôi mộ được nguyên vẹn nhất trong số những ngôi mộ từng được tìm thấy trong Thung lũng các vị vua .
Khi bắt đầu tiến hành khai quật, nhóm khảo cổ của Howard Carter đã khám phá ra một kho tàng vô giá vượt ngoài sức tưởng tượng của họ. Đó là những đồ vật bằng vàng khối, những bảo thạch, những đồ dát ngọc tập trung nơi chiếc quan tài rực rỡ có thi thể vua Tutankhamun.
Thi thể của Vua Tutankhamun được ướp trong một cái quách được trang trí công phu, và úp lên mặt ông là chiếc mặt nạ vàng có nạm những viên đá quý.
Số đồ tùy táng quý giá trong mộ của vua Tutankhamun nhiều tới mức đã làm các nhà khảo cổ học phải choáng ngợp. “Tháp tùng” vị vua trẻ tuổi là hơn 5.000 tác phẩm thủ công thời cổ đại, chưa kể rất nhiều đồ trang sức, tượng, bùa chú, đồ đạc và thậm chí cả một quan tài tạc bằng vàng ròng. Tất cả đã khiến cả thế giới kinh ngạc và giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu thêm về lịch sử Ai Cập thời kỳ đó.
Các nhà khảo cổ học đã phải dành cả 10 năm chỉ để thống kê và đặt tên cho những đồ vật được tìm thấy trong mộ của vua Tutankhamun.
Chỉ đến khi nhà khảo cổ Howard công bố công trình nghiên cứu về sự tồn tại của lăng mộ Tutankhamun thì giới khảo cổ học mới tin rằng “kho báu Tutankhamun” là thật chứ không phải chỉ có trong truyền thuyết.
Sau khi những nghiên cứu của Howard Carter về xác ướp của vua Tutankhamun được tiết lộ, người ta biết được ông cao khoảng 1m6. Cũng như tổ tiên của mình, ông đã được nuôi dạy để trở thành chiến binh. Trong lăng mộ ông có sáu cỗ xe ngựa, 50 cái cung, 2 thanh gươm, 8 cái khiên, 2 lưỡi dao găm, súng cao su đủ loại. Trên những cái rương gỗ trong lăng mộ của ông là hình ảnh miêu tả ông đang cưỡi ngựa xông vào thành, tay đang giương cung lên bắn và bánh xe ngựa của ông nghiền nát lũ quân xâm lược Nubian.
Sau rất nhiều cuộc nghiên cứu, mãi đến ngày 3.11.2013, bí ẩn về cái chết của vị Pharaoh Ai Cập Tutakhamun đã được hé lộ sau hơn 3.000 năm. Các nhà khoa học Anh đã dựng hình ảnh ba chiều chi tiết về xác ướp của Tutankhamun và nhận thấy có vết bánh chiến xa cán qua cơ thể ông. Sau khi khôi phục đầy đủ hình ảnh về các chấn thương, các nhà nghiên cứu kết luận nửa thân bên trái của vị vua Ai Cập đã bị bánh xe cán phải khiến ông bị thương nặng và chết ngay lập tức.
Kể từ khi lăng mộ Tutankhamun được phát hiện với các hiện vật còn gần như nguyên vẹn, Thung lũng các vị vua của Ai Cập trở nên nổi tiếng. Thung lũng này trở thành di sản thế giới năm 1979 và cho đến giờ, các hoạt động thăm dò, khai quật, bảo tồn vẫn đang được tiếp tục.
Tuy nhiên, càng ngày, số lượng du khách đến càng đông, mang đến sự hư hại không nhỏ cho các di tích lịch sử.
Sau khi mở cửa, hầm mộ bị hư hại bởi sự thay đổi nhiệt độ... Ngoài ra, vi khuẩn và độ ẩm từ hơi thở của du khách, sức nóng từ cơ thể người cũng như từ các bóng đèn đã tổn hại đến khu lăng mộ.
Với mong muốn bảo tồn những di tích quý giá, chính quyền Ai Cập cho xây dựng lại một khu lăng tẩm y hệt khu thật. Các nhà khảo cổ học mất 5 tuần để ghi lại từng chi tiết của khu mộ. Họ còn dùng máy quét laser để chụp lại hình dáng, kết cấu và màu sắc trước khi dùng máy để tạo ra những bản sao chính xác. Điều này khiến cho du khách có cảm nhận như họ đang được xem "đồ thật".
Theo PV /TTXVN