Năm 1968, tại ngôi làng Suontaka Vesitorninmäki ở miền nam Phần Lan, một ngôi mộ chiến binh có niên đại từ thế kỷ 11 được phát hiện. Trong ngôi mộ là hài cốt một người mặc váy (khi đó được cho là phụ nữ) và 3 chiếc trâm cài áo, cùng một thanh kiếm lớn.
Trong nhiều năm, ngôi mộ đặc biệt này được coi là bằng chứng rõ ràng về việc Phần Lan thời đầu Trung cổ là thời kỳ của các nữ lãnh đạo quyền lực, những người dường như xuất thân là các chiến binh.
Tuy nhiên, theo Ancient-origins, 53 năm sau khi phát hiện ngôi mộ cổ này, các nhà khoa học đã sử dụng các phương pháp kiểm tra và phân tích ADN cổ (aDNA) hiện đại để tìm ra giới tính của chủ nhân ngôi mộ.
Kết quả là các nhà khoa học đã đưa ra một giả thiết và cách giải thích mới về giới tính của chủ nhân cổ mộ. Giả thiết này chỉ ra rằng, chủ nhân ngôi mộ không phải phụ nữ như suy nghĩ ban đầu mà là một người phi nhị giới (không hoàn toàn là nam, cũng không hoàn toàn là nữ).
Giả thiết trên được đưa ra dựa trên việc chiến binh trong cổ mộ được chôn cất với những đồ trang sức tuyệt đẹp và mặc những bộ quần áo đặc trưng của phụ nữ thời kỳ này. Nhưng việc chôn cất song kiếm cùng chủ nhân cổ mộ (một thanh kiếm thứ 2 sau đó được tìm thấy ngay trong ngôi mộ) ngược lại, là biểu tượng của nam tính. Biểu tượng của sức mạnh nữ tính được chôn giấu bên cạnh vũ khí nam tính đã khiến các nhà khoa học băn khoăn một thời gian dài.
Sau đó, dù DNA bị hư hỏng nặng, nhưng nhờ công nghệ hiện đại, các nhà khoa học vẫn thu được kết quả phân tích cho thấy, chiến binh trong ngôi mộ có thể mắc hội chứng Klinefelter - một chứng rối loạn giới trong đó nam giới có thêm một nhiễm sắc thể X tạo thành kiểu gen XXY. Mắc hội chứng Klinefelter, nam giới sẽ ít cơ bắp hơn, tinh hoàn nhỏ, testosterone thấp và có một số đặc điểm nữ tính như sự phát triển của vú...
Ulla Moilanen, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Khảo cổ học tại Đại học Turku, Phần Lan cho biết, chiến binh trong cổ mộ dường như là một thành viên rất được kính trọng. Khi chết, người này được đặt trong ngôi mộ trên một chiếc chăn lông vũ mềm mại và nhiều đồ vật có giá trị.
Điều này cũng gây bất ngờ cho các nhà khoa học vì một khi các đặc điểm của hội chứng Klinefelter càng được thể hiện rõ ràng, thì chủ nhân ngôi mộ có thể không được coi là phụ nữ hay nam giới trong xã hội đầu thời Trung Cổ. Nhưng thay vì bị kỳ thị, chủ nhân ngôi mộ không chỉ được chấp nhận mà còn được đánh giá cao và được tôn trọng trong cộng đồng của anh ta.
Theo Bảo Tuấn/ Tienphong