Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Quang Minh - Phó tổng giám đốc Công ty Thương mại FPT (FPT Trading), đơn vị phân phối chính thức điện thoại Vertu tại Việt Nam cho biết, đến lúc Vertu tuyên bố phải đóng cửa nhà máy thì tình hình kinh doanh dòng điện thoại siêu sang này tại Việt Nam vẫn phát triển tốt. Khách hàng vẫn đang liên tục đặt mua.
Tuy nhiên, trước diễn biến mới, nhà phân phối cho biết đã liên hệ với hãng tại Anh để nắm tình hình và triển khai kế hoạch tiếp theo.
“Chúng tôi đã liên hệ với công ty mẹ của Vertu và hiện đang chờ công ty này trả lời về việc tổ chức lại hoạt động trong thời gian tới. Dự kiến trong tuần sau sẽ phải có phản hồi để chúng tôi tính toán lại việc kinh doanh. Hiện công ty đang tạm hoãn giao điện thoại mới trong vài ba ngày cho khách đã đặt hàng để chờ tin, vì nó ảnh hưởng đến chế độ bảo hành”, ông Minh cho biết.
|
Bất chấp vỡ nợ, điện thoại Vertu vẫn hút giới nhà giàu Việt. Ảnh minh họa |
Cũng theo ông Minh, trước mắt hệ thống cửa hàng Vertu chính hãng tại TP.HCM và Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, về dài hạn, tình hình sẽ phụ thuộc vào diễn biến mới của nhà sản xuất, theo VnExpress.
“Công ty Vertu đang tiến hành đàm phán các vấn đề nợ lương nhân viên và chuyển giao cho chủ mới. Kết quả cuối cùng vẫn chưa có nên chúng tôi còn đang phải chờ”, đại diện FPT Trading cho biết thêm.
Trước đó, theo Zing, hãng điện thoại xa xỉ của Anh, Vertu đã thất bại trong việc đàm phán với các chủ nợ nhằm giải cứu công ty khỏi bị phá sản sau khi đề nghị trả 1,9 triệu bảng Anh (2,4 triệu USD) cho số nợ lên đến 128 triệu bảng. Kết quả, hoạt động sản xuất của Vertu ở Anh sẽ bị dừng, nhà máy đóng cửa, dẫn đến khoảng 200 người mất việc.
Ông chủ của Vertu, Murat Hakan Uzan, vào tháng 3 năm nay đã mua lại công ty từ Godin Holdings của Trung Quốc, khi doanh nghiệp này đang đối mặt với nguy cơ phá sản.
Mặc dù công ty sẽ phá sản nhưng ông Uzan vẫn sẽ được giữ lại thương hiệu Vertu, công nghệ và giấy phép thiết kế.
Vertu bắt đầu hoạt động vào năm 1998, là một phần của hãng điện thoại Phần Lan - Nokia. Vào năm 2012, nó đã được bán cho công ty cổ phần tư nhân EQT. Sau đó vào năm 2015, công ty Trung Quốc Godin Holdings mua lại và đến tay Uzan.
Thương hiệu Vertu nổi tiếng với việc dùng những công nhân lành nghề bậc nhất tại Anh để lắp ráp thiết bị. Những chiếc điện thoại của hãng sử dụng hàng loạt linh kiện quý hiếm, chất lượng gia công cực cao như da đà điểu, kim loại quý và kim cương.
Bên cạnh đó, lắp ráp thủ công, nguyên liệu hiếm là lý do khiến giá sản phẩm Vertu trở nên vô cùng xa xỉ. Thậm chí, chi phí sản xuất một số chiếc điện thoại còn vượt quá mức 30.000 USD. Chính vì thế giá của các mẫu điện thoại do Vertu sản xuất luôn ở "trên trời" và người bình thường gần như không thể mua được, Zing thông tin.
Theo Đỗ Thu Thoan/Vietq