Bằng chứng mới về nguồn gốc ngoài hành tinh của chúng ta

Google News

Nghiên cứu mới từ Đức cho thấy các tác động ngoài hành tinh tác động đến sự hình thành sự sống trên Trái Đất có thể còn sâu sắc và phức tạp hơn suy nghĩ trước đây.

Trước đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra các "khối xây dựng sự sống" đầu tiên đã được đem đến Trái Đất thông qua các thiên thạch, sao chổi.

Công trình dẫn đầu bởi giáo sư Oliver Trapp từ Đại học Ludwig Maximilian München (Đức) cho thấy một kịch bản khác không kém phần thú vị, trong đó những "kẻ xâm nhập" ngoài hành tinh cũng xuất hiện, nhưng với vai trò hoàn toàn khác.

Bang chung moi ve nguon goc ngoai hanh tinh cua chung ta

Trái Đất trong Liên đại Hỏa Thành - Ảnh: Simone Marchi & Dan Durda/Southwest Research Institute

"Sự xuất hiện của lớp vỏ lục địa ổn định và nước lỏng trên Trái Đất 4,4 tỉ năm trước và các dấu hiệu đồng vị carbon sinh học sớm nhất khoảng 3,8-4,1 tỉ năm trước cho thấy sự sống bắt nguồn chỉ 400-700 triệu năm sau khi Trái Đất hình thành" - Sci-News dẫn lời giáo sư Trapp.

Như vậy cái gọi là "tiền chất hữu cơ" có thể xuất hiện từ 4,4 tỉ năm trước, trên một Trái Đất nóng bỏng thuộc Liên đại Hỏa Thành (Hadean), là giai đoạn địa chất đầu tiên.

Họ đã xem xét tất cả các yếu tố có thể thúc đẩy cái gọi là phản ứng tạo ra sự sống với giả thuyết rằng nó bắt nguồn từ carbon dioxide (CO2) vô hồn, thứ sẵn có trên Trái Đất. 

Nhưng không có nghĩa là chúng ta không có nguồn gốc ngoài hành tinh, bởi suy cho cùng tất cả các vật liệu Trái Đất đều được góp nhặt từ hàng tỉ năm tiến hóa vũ trụ với nhiều thế hệ sao và hành tinh chết đi, phát nổ, làm giàu thêm thành phần hóa học để cho ra đời các hệ sao mới.

Chưa kể, để carbon dioxide thành sự sống, đó là một quá trình dài mà các nhà nghiên cứu tin rằng được thúc đẩy bởi 2 thứ, trong đó có một cái ngoài hành tinh: Thiên thạch sắt và tro núi lửa.

Chúng đóng vai trò chất xúc tác trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi carbon dioxide thành hydrocarbon aldehyde và rượu, dưới tác động của nhiệt độ và ấp suất khắc nghiệt của Liên đại Hỏa Thành.

Các hợp chất này sau đó tham gia vào các phản ứng tiếp theo hình thành carbohydrate, lipid, đường, axit amin, DNA và RNA.

Các mô hình của nhóm nghiên cứu ước tính những thiên thạch "dội bom" liên tục và núi lửa hoạt động dữ dội của Trái Đất sơ khai đã góp phần tạo ra tới 600.000 tấn tiền chất hữu cơ mỗi năm.

Kết hợp chúng với những thứ có sẵn trong bầu khí quyển và đại dương, sự sống đơn bào ra đời và sau hàng tỉ năm đã thành muôn loài ngày nay, bao gồm chúng ta.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Theo Anh Thư/Người Lao Động