Quảng cáo cho một hãng điện thoại Android mới nổi nhưng Ánh Linh - KOLs Facebook 22 tuổi vẫn sử dụng iPhone. Không chỉ có điện thoại, Linh còn nhận quảng cáo cho nhiều sản phẩm khác như son môi, kem dưỡng da, sữa tắm... với nội dung "mình đã dùng thử và rất hiệu quả".
Thuyết phục hơn, Linh mua các "gói tăng tương tác" để có thêm lượt like và share Facebook, "mắt xem" livestream... nhằm duy trì độ "hot" của bản thân trên Facebook trong mắt các nhà quảng cáo.
Nghề bán "sức ảnh hưởng"
"Mấy sản phẩm em quảng cáo từ vài trăm đến vài triệu đồng. Mỗi bài đăng trên Facebook em, họ trả có 300.000-400.000 đồng thì làm sao mà họ cho dùng thử hả anh", Linh chia sẻ về việc cô hoàn toàn không động đến một sản phẩm nào do chính mình quảng cáo.
Tuy vậy, theo Linh, nghề influencer (người có sức ảnh hưởng) hay KOLs (người nổi tiếng) là một nghề dễ kiếm ra tiền. Mỗi tháng cô được các đơn vị quảng cáo book (đặt hàng) vài chục bài với thu nhập gần 20 triệu đồng.
|
Tài khoản Facebook 10.000 người theo dõi thì mỗi bài đăng có giá 300.000-600.000 đồng.
|
"Giá mỗi bài đăng phụ thuộc vào độ hot của influencer. Tài khoản Facebook em có 10.000 người theo dõi thì mỗi bài đăng của em có giá 300.000-600.000 đồng tùy loại", Linh nói.
Loại ở đây có nghĩa là chỉ chia sẻ link (đường dẫn) website hay YouTube. Nếu ai mua gói chụp ảnh, viết bài sẽ có giá khác. "Giá cao nhất là tự quay một video trải nghiệm hay giới thiệu sản phẩm", Linh chia sẻ.
Để bước chân vào con đường KOLs Facebook, mỗi tài khoản phải đảm bảo số lượng người tương tác nhất định, tối thiểu là từ 10.000-100.000 người theo dõi.
"Ai cũng có thể làm nghề này, từ bà mẹ bỉm sữa (hot mom) đến sinh viên, học sinh, người làm văn phòng. Kiểu gì cũng có thương hiệu cần quảng cáo", Quốc Hoàng, người làm trung gian cung cấp dịch vụ KOLs Facebook cho các thương hiệu tại TP.HCM chia sẻ.
Theo Hoàng, quy trình thuê KOLs thường là thương hiệu liên lạc với một bên trung gian chuyên làm về KOLs (agency). Sau đó phía agency sẽ tổng hợp các KOLs hội đủ điều kiện mà hãng mong muốn.
|
Chỉ cần bỏ ra 80 đồng, các hot Facebooker đã có 1 lượt tương tác để quảng cáo cho các thương hiệu.
|
"Ví dụ một hãng cần 10 triệu tương tác cho một chiến dịch quảng cáo, họ giao cho agency. Ngoài những KOLs thật sự nổi tiếng, agency cũng thuê thêm những người có sức ảnh hưởng nhỏ (micro) để bù số vào. Những người có sức ảnh hưởng này sẽ được ra giá theo lượng tương tác thu về.
Trong các hội nhóm của agency, các hot Facebook sẽ chọn hợp đồng theo năng lực của mình. Với áp lực về con số, nhiều KOLs đã chi tiền mua tương tác ảo để tô vẽ cho bản báo cáo của nhiều agency thuê họ.
"Với tài khoản Facebook của mình, em chỉ chọn các gói bài dưới 400 like. Mỗi bài như vậy được trả 400.000 đồng, trừ đi tiền mua like, tương tác 80.000 đồng còn lại là phần lời", Linh chia sẻ chuyện nghề.
Hệ thống bán tương tác
Trước đây, tình trạng tạo tài khoản Facebook giả để tăng tương tác đơn giản nên like rẻ. Tuy vậy, từ cuối năm 2018, Facebook siết chặt nick giả bằng nhiều cách.
Ngày 13/12/2018, Facebook đăng xuất hàng loạt tài khoản họ nghi ngờ là giả mạo tại Việt Nam. Những token (chuỗi mã tương ứng với mỗi tài khoản Facebook) này được các bên cung cấp dịch vụ thu thập khi người dùng chạy ứng dụng bên thứ ba (chẳng hạn các game "khi nào bạn chết", "kiếp trước bạn là ai"...).
Việc đăng xuất Facebook đồng nghĩa chuỗi token sẽ không còn hiệu lực. Kết quả, các bên cung cấp dịch vụ "trang điểm" Facebook không thể điều khiển những tài khoản này thích các bài viết của khách hàng.
|
MegaSim là khay chứa hàng trăm SIM điện thoại cùng lúc. Những SIM này được quản lý bởi phần mềm hệ thống. Khi có tin nhắn mã OTP từ các mạng xã hội như YouTube, Facebook, hệ thống này sẽ tự điền vào các tài khoản ảo, vượt qua lớp kiểm duyệt. Ảnh: T.T
|
Tuy vậy, tình trạng like ảo chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Khi Facebook yêu cầu đăng nhập lại, liên kết tài khoản với số điện thoại để nhận mã đăng nhập thì đã có một hệ thống giải quyết vấn đề đó. Một "khay mega SIM" đi kèm với trình quản lý có thể tự động nhận tin nhắn OTP từ Facebook và điền vào tài khoản nhằm duy trì "sự sống" cho các nick giả tăng tương tác.
Nhãn hàng bị lừa bởi những con số ảo, phải "trừ hao"
“Về cơ bản, thương hiệu luôn cần hiệu quả thật, tương tác thật. Tuy vậy, tất cả chỉ là tương đối. Quan trọng là mức tương tác ảo được 'bơm' vào đừng quá đáng là ổn", T.N, trưởng bộ phận Marketing của một hãng thời trang tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết.
Cũng theo ông N, tương tác ảo từ lâu là thực trạng chung của ngành quảng cáo, không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài. "Cơ bản những người được thuê để quảng cáo cũng đã là trai xinh gái đẹp. Vì vậy họ có "ảo ảnh" một tí cũng phải chấp nhận. Còn những con số tương tác mang lại chỉ để tham khảo cho chứ không tin được", ông N nói thêm.
Việc phát hiện "ảo ảnh" của một hot Facebooker không phải là quá khó. "Phần like có nhiều tài khoản ảo, bài viết vài chục like nhưng bài quảng cáo hàng trăm like là một số cách cơ bản để nhận biết tương tác ảo", ông N chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông N, nếu để ý, một số Facebooker còn mua like theo gói tháng. Điều này dẫn tới việc tương tác của các bài viết khá đồng đều. Bên cạnh đó, lượng người bình luận cũng cần tương xứng với lượt tương tác khủng.
|
Lượt thích gấp 4 lần lượt xem là chuyện thường diễn ra với những tài khoản lỡ mua like "quá tay".
|
"Không thể một bài viết 1.000 like nhưng không có bình luận hay chia sẻ nào. Một số trường hợp, KOLs đăng video chỉ có 171 lượt xem nhưng đến 800 lượt like. Không thể có 700 người chưa xem gì đã like như vậy", ông N phân tích.
Ngoài ra, kiểm tra phần bình luận sẽ thấy những nội dung lặp đi lặp lại bởi nhiều tài khoản cũng là một cách phát hiện tương tác ảo của các Facebooker.
Chuyên gia quảng cáo này cũng cho biết thương hiệu thừa sức hiểu ở thị trường người ảnh hưởng tại Việt Nam, không có gì là tuyệt đối. Chỉ sợ một điều là trong một chiến dịch 100% tương tác là ảo.
"Nếu 100% tương tác là ảo thì khâu chọn người nổi tiếng có vấn đề hoặc do nhân sự cấp dưới cố tình câu kết với agency biển thủ tiền công ty", ông N kết luận.
Theo Zing.vn