Các nhà nghiên cứu tại National Geographic đã sử dụng máy ảnh nhỏ kết nối với máy siêu âm 4D để chụp ảnh các loài động vật khác nhau trong bụng mẹ vài tuần trước khi chúng chào đời. Những hình ảnh tuyệt đẹp chắc chắn sẽ khiến bạn ngạc nhiên trước sự vận hành của thiên nhiên.
Hỉnh ảnh hai chú gấu con vẫn đang ôm nhau trong bụng mẹ, vè cơ bản chúng đã định hình vẻ ngoài khá giống với bố mẹ của chúng. Thời kỳ mang thai của loài động vật này tương đối dài, từ 195-265 ngày. Vào mùa thu, gấu cái mang thai quay vào đất liền, đào hang để chuẩn bị sinh con. Những gấu con được sinh ra vào tháng mười hai hay tháng một, thường thì gấu sinh đôi, có khi sinh ba nhưng rất hiếm. Con non lúc mới sinh chỉ nặng 600-700 g và chưa mở mắt. chúng lớn nhanh bằng sữa gấu mẹ giàu vitamin A. Lúc 26 ngày tuổi, gấu con đã có thể nghe được, nhưng phải đợi đến 1 tuần sau mới mở mắt.
Một con báo con trong bụng mẹ. Loài động vật này không có mùa giao phối cố định, thay vào đó chúng có thể sẵn sàng mang thai quanh năm. Thời gian mang thai kéo dài 91-111 ngày; con cái có thể sinh ra tới bốn con, và phổ biến nhất là hai con. Dù mới được 2 tháng nhưng những đốm chấm đã được hình thành trên sợi lông của chú báo đốm này. Khi vừa sinh ra, con non vẫn nhắm mắt và chỉ có thể nhìn được sau khoảng 2 tuần. Chúng sẽ sống cùng mẹ trong khoảng 2 năm trước khi bỏ đi để thiết lập lãnh thổ riêng của mình.
Một con sư tử con trong bụng mẹ. Theo các nhà khoa học, vào thời kỳ sinh sản, mỗi cặp sư tử có thể “yêu” từ 20-40 lần/ngày và liên tiếp trong 4 ngày. Thậm chí, có không ít tài liệu đã ghi nhận rằng, có những cặp sư tử còn giao phối với nhau đến 86 lần/ngày. Thời gian mang thai của loài động vật này thường kéo dài khoảng 3 tháng.
Một con chó chihuahua trong bụng mẹ. Nhìn giống một con gấu nhỏ nhưng chỉ với nửa thời gian mang thai, chó Chihuahua đã sở hữu những đặc tính cơ bản của loài chó. Tuy nhiên, sau khi sinh, hình dạng loài động vật này vẫn sẽ tiếp tục phát triển, với chiếc mũi nhọn hơn. Răng của những con chó Chihuahua trưởng thành cũng trở nên cứng và sắc hơn so với răng chúng khi còn non.
Nhờ siêu âm, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh chú chim cánh cụt non trong lớp vỏ trứng. Chú chim cánh cụt này đang cuộn mình, trôi nổi trong lớp chất lỏng. Những lớp lông đầu tiên đã được hình thành, hành trang cho chim cánh cụt trước khi bước ra thế giới bên ngoài. Thời kì mang thai của chim cánh cụt khoảng 65 ngày. Sau khi trứng nở, con mẹ tiếp tục ủ ấm cho con non để quen dần với môi trường thời tiết lạnh lẽo bên ngoài.
Một chú chim cánh cụt con vẫn còn trong trứng. Dù là động vật đẻ trứng nhưng chim cánh cụt con cũng có quá trình sinh trưởng và phát triển để hoàn thiện. Tuy nhiên, quá trình sinh trưởng của chim cánh cụt diễn ra trong lớp vỏ trứng nhờ nhiệt độ từ cơ thể chim bố mẹ. Giống như trong dạ con của các loài động vật sinh con, chim cánh cụt cũng được bao bọc bởi dung dịch chất lỏng trong lớp vỏ trứng.
Một con rắn con trong bụng mẹ. Siêu âm xuyên qua lớp vỏ, các nhà khoa học mới khám phá được thế giới bí mật của loài rắn trong bào thai. Rắn non có nhiều điểm tương đồng với các loài thằn lằn và chim, ngay từ khi khoảng vài tuần tuổi, rắn non đã hình thành vùng não và cột sống rõ ràng. Đó như một sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc bước ra cuộc sống bên ngoài.
Một con cá mập hổ con trong bụng mẹ. Cá mập hổ là một trong những loài cá mập đáng sợ nhất trên thế giới. Khi được sinh ra, chúng sớm phát triển và trở thành một trong những kẻ săn mồi đáng sợ, nguy hiểm nhất của đại dương. Thậm chí trong bụng mẹ, nó thể hiện sự nguy hiểm bằng cách ăn thịt anh, chị em chưa sinh nếu cảm thấy cần phải làm như vậy bằng hàm răng sắc nhọn mới được hình thành của mình.
Một chú ngựa con trong bụng mẹ. Đặc tính của ngựa cứ trung bình khoảng năm rưỡi mới sinh một lứa nên số lượng ngựa không nhiều như những loại vật nuôi khác, hơn nữa việc nuôi ngựa cũng đòi hỏi sự chăm sóc công phu hơn.
Một con cá heo con trong bụng mẹ. Bức ảnh cho thấy một con cá heo khoảng 6 tháng tuổi đang nằm trong bụng mẹ. Loài cá heo là động vật có vú nhưng chúng mang thai và sinh con ở dưới nước. Để thuận lợi cho con non, cá heo có thể di chuyển hàng chục ngàn km để tới những vùng biển ấm áp. Sau 12 tháng mang thai, cá heo con ra đời với đầy đủ khả năng sinh tồn trong đó răng và khả năng bơi. Cá heo được coi là loài động vật khá thông minh và gần gũi với con người. Chính vì lẽ đó, chúng được con người sử dụng với nhiều mục đích, từ vui chơi giải trí tới việc cứu người và làm những nhiệm vụ đặc biệt cho quân đội. Có khả năng phát ra sóng siêu âm, cá heo có thể xác định con mồi trong mọi điều kiện.
Một chú voi con trong bụng mẹ. Hình ảnh chú voi châu Á 12 tháng tuổi trong bụng mẹ như đang tập đi những bước đi đầu tiên, sẵn sàng cho cuộc sống ở thế giới bên ngoài. Thời gian thai kỳ của voi là 22 tháng nhưng khoảng vào giữa thai kỳ, những chi tiết nhỏ như móng chân cũng đã hình thành rõ. Không giống con người, voi sơ sinh có tỷ lệ cơ thể giữ nguyên đến khi trưởng thành.
Theo Đức Khương/Báo Tổ quốc