Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã đề cập đến cuộc khủng hoảng năng lượng đang bùng phát, vốn đang trở nên trầm trọng hơn bởi các lệnh trừng phạt chống Nga và sự sụt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Moscow cho châu Âu. Mặc dù Anh không phụ thuộc trực tiếp vào Moscow về nhiên liệu, nước này vẫn phải gánh chịu giá năng lượng và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Bà Truss cho biết: "Tôi biết đây sẽ là một mùa đông khó khăn, tôi muốn làm tất cả những gì có thể để giải phóng lượng khí dự trữ ở Biển Bắc".
Theo nhà tư vấn năng lượng Cornwall Insight, cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt ở Anh sẽ tiếp tục gia tăng, với hóa đơn hàng năm của các hộ gia đình dự kiến vượt qua 3.300 bảng Anh (3.971 USD) vào mùa đông này. Theo The Times, trích dẫn một tài liệu của Whitehall, có thể có tới sáu triệu hộ gia đình ở Anh bị cắt điện trong mùa đông này nếu nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu ngừng lại.
Bà Truss cam kết áp đặt lệnh tạm hoãn đối với thuế năng lượng xanh. "Các chính sách thông thường không hiệu quả, chúng ta cần phải làm nhiều hơn và đó là lý do tại sao tôi quyết tâm cải cách nền kinh tế và giữ thuế ở mức thấp", bà Truss, người trước đó đã cam kết cắt giảm thuế 30 tỷ bảng Anh, giải thích.
|
Mùa đông sắp tới được dự đoán là khó khăn đối với nước Anh. Ảnh: Getty
|
Bà cũng thảo luận về việc giảm chi phí bảo hiểm quốc gia, mà theo quan điểm của bà chắc chắn sẽ "đưa nhiều tiền hơn vào túi của mọi người".
Đối thủ cạnh tranh của Truss, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã chỉ trích cách tiếp cận tài chính này. Ông tuyên bố rằng việc cắt giảm thuế có thể biến lạm phát trở thành cố hữu, từ đó "gây thiệt hại vô cùng lớn cho hàng triệu người trên khắp nước Anh".
Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ được công bố vào ngày 5/9, sau một cuộc bỏ phiếu qua bưu điện của khoảng 150.000 thành viên đảng Bảo thủ.
Ngay cả trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, người tiêu dùng Anh đã cảm nhận được chi phí năng lượng tăng mạnh. Quy định giá trần do cơ quan quản lý Ofgem công bố vào đầu tháng 2, có hiệu lực vào tháng 4, đánh dấu mức tăng 54% so với tỷ lệ trước đó.
Mùa đông sắp tới cũng là một vấn đề quan tâm sâu sắc đối với các quan chức Liên minh châu Âu (EU). Đầu tuần này, nhà ngoại giao hàng đầu của khối, Josep Borrell, đã cảnh báo rằng EU có thể cạn kiệt khí đốt trong mùa lạnh sắp tới. Ông nói: "Châu Âu đang phải đối mặt với một cơn bão cực lớn: Giá năng lượng tăng, tăng trưởng kinh tế giảm và mùa đông sắp đến".
Theo Lê Phương / Dân Việt