Ở thời điểm gần Trái đất nhất, GN1 với đường kính vào khoảng 7 - 16 m cách hành tinh của chúng ta khoảng 127.000 km, bằng gần 1/3 khoảng cách giữa Mặt trăng – Trái đất.
GN1 di chuyển với tốc độ hơn 55.800 km, không gây nguy hiểm cho Trái đất. Trên trang web của Dự án Kính viễn vọng Ảo, ông Masi mô tả "cuộc chạm trán của GN1 với Trái đất là rất gần nhưng an toàn".
Trong bức ảnh chụp lại 2022 GN1, tiểu hành hành tinh này chỉ là đốm sáng rất nhỏ. Thời điểm này, 2022 GN1 cách Trái đất 125.500 km.
Theo tính toán của các nhà khoa học, lần tiếp cận gần Trái đất tiếp theo của GN1 sẽ là vào năm 2030 nhưng khoảng cách sẽ không gần như hôm 6/4.
2022 GN1 nằm trong số hàng nghìn tiểu hành tinh mà các nhà thiên văn đang theo dõi để đánh giá về nguy cơ các thiên thạch va chạm với địa cầu.
Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái Đất (CNEOS) cảnh báo không nên quá lo ngại về kịch bản tiểu hành tinh va chạm với Trái đất. Nhưng điều đó không có nghĩa khả năng này bị loại bỏ hoàn toàn. Tháng 11/2021, NASA phóng tàu vũ trụ DART nhằm thử nghiệm công nghệ khả năng thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh để tránh các va chạm với Trái đất.
Mục tiêu của DART là chuyển hướng tiểu hành tinh Dimorphos, quay quanh một tiểu hành tinh lớn hơn tên là Didymos.
Vào mùa thu năm 2022, DART sẽ đâm vào tiểu hành tinh mục tiêu Dimorphos để thay đổi quỹ đạo của nó.
Sau va chạm, các nhà khoa học sẽ đo lường sự thay đổi trong quỹ đạo của Dimorphos bằng kính thiên văn trên mặt đất và đưa ra các đánh giá.
Theo Diệu Hoa/VTCnews