Bức ảnh vệ tinh do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA công bố gần đây gây ấn tượng cho thấy vẻ đẹp của ba hồ nước có màu khác nhau ở Ethiopia.
Ba hồ nước màu vàng, xanh lam và xanh lục nổi bật trong hình ảnh chụp từ trên cao xuống do vệ tinh Landsat 8 ghi lại. Đó là hồ Shala màu xanh lam, hồ Abijatta màu xanh lục, hồ Langano màu vàng nằm trong Thung lũng Great Rift, Ethiopia từng là một phần của cùng một hồ nước cổ xưa.
Màu sắc bất thường là kết quả của nhiều yếu tố bao gồm các chất hóa học trong nước, độ sâu và động vật hoang dã sinh sống.
Hồ Shala dài khoảng 12 km và ở điểm rộng nhất là 28 km. Là hồ nước sâu nhất trong ba hồ với độ sâu tối đa là 266 mét, điều này góp phần làm cho nước trong hồ có màu xanh đậm nhìn từ trên cao xuống.
Hồ có nhiều lỗ thông hơi dưới đáy để bơm lưu huỳnh vào nước. Do vậy, hồ có tính kiềm cao, độ pH rất lớn. Theo Đài quan sát Trái Đất, dù có điều kiện sinh sống khắc nghiệt nhưng trong hồ có một số lượng lớn các loài giáp xác nhỏ và vi sinh vật, là thức ăn thu hút đàn hồng hạc và bồ nông đến săn mồi.
Hồ Abijatta dài khoảng 17 km và rộng 15 km, là hồ nông nhất trong ba hồ nước với độ sâu tối đa là 14 mét. Theo Đài quan sát Trái Đất, trong vòng 50 năm qua, hồ nước đã mất khoảng một phần ba diện tích. Màu xanh lục của hồ Abijatta là do thực vật phù du trên bề mặt nở hoa.
Hồ Langano dài khoảng 18 km và rộng 16 km, do nước từ các con suối ở phía đông cung cấp. Màu vàng của hồ là do trầm tích màu nâu từ các ngọn núi gần đó. Langano là điểm đến nổi tiếng, thu hút nhiều du khách vì đây là hồ nước duy nhất trong khu vực không có loài giun ký sinh truyền bệnh sán máng, có khả năng gây tử vong.
Tuy nhiên, cả ba hồ nước đều từng là một phần của một hồ nước cổ đại là Hồ Galla, bao gồm cả hồ Ziway gần đó. Hồ nước cổ đại khổng lồ kết nối với biển qua con sông Awash cho đến khoảng 10.000 năm trước.
Tại thời điểm đó, các chuyển động của mảng kiến tạo và sự thay đổi của các mô hình lượng mưa khiến hồ Galla bắt đầu khô cạn. Theo Đài quan sát Trái đất, khoảng 2.000 năm trước, hồ đã nứt vỡ thành các hồ khác nhau. Ngày nay, sông Awash vẫn còn chảy dù không còn nhiều nước như trước đây.
Theo Hoàng Dung/Infonet