TP Kolkata, đô thị với khoảng 14 triệu dân ở Ấn Độ, ban ngày chật chội dòng người và xe cộ qua lại. Thế nhưng, lúc màn đêm buông xuống, nơi đây xuất hiện "đội quân gặm nhấm" lên tới hàng ngàn con chạy khắp các con đường, ngõ hẻm, nhà ở, hàng quán…
Indian Express mô tả lũ chuột đông nhung nhúc sau đó bắt đầu đào xới tung lớp đất khiến các con đường, lối đi, thậm chí cả công trình xây dựng hư hỏng nặng.
Lũ chuột còn cắn dây cáp ngầm, làm gián đoạn nguồn điện. Chúng cắn phá cả tài liệu, sổ sách đang lưu giữ tại tòa nhà hội đồng TP Kolkata.
Nạn chuột đang hoành hành khắp thành phố nhưng chính quyền Kolkata phải "bó tay". Ảnh: Debarshi Dasgupta
"Những người kém may mắn phải ngủ trên vỉa hè vào ban đêm thậm chí bị chúng gặm nhấm chân tay và tai. Ngay cả những bệnh nhân còn sống và các thi thể trong các bệnh viện của thành phố đôi khi cũng bị như vậy" – tờ Indian Express mô tả.
Tờ Telegraph (Anh) hôm 8-10 đã có bài viết về "cuộc khủng hoảng chuột" ở Kolkata. Nhật báo nổi tiếng nước Anh mô tả lũ chuột đã "gặm nhấm nền móng của thành phố" và ví chúng như "đội quân châu chấu háu đói".
"Cầu vượt, đường sá, vỉa hè và các tòa nhà cũ ở một số khu vực trong thành phố đang bị đe dọa khi chuột đào hang dưới lòng đất, làm suy yếu phần móng" – tờ Telegraph thông tin.
Chính quyền Kolkata trong những năm gần đây đã phải gia cố các công trình bị hư hỏng do nạn chuột. Họ cũng lấp các lỗ hổng trên lối đi bộ, đường và cầu bằng hỗn hợp bê tông, cát và kính để hạn chế khả năng ẩn náu của chuột.
Anh Nepal Pal phải sử dụng bê tông, cát và mảnh thủy tinh để gia cố nền nhà dưới chân cầu vượt Dhakuria để đối phó với chuột. Ảnh: Debarshi Dasgupta
Đây cũng là điều mà anh Nepal Pal phải làm để gia cố quán trà của mình dưới cầu vượt Dhakuria ở phía Nam Kolkata. "Quán của tôi sắp sập" - người đàn ông 37 tuổi nói về tác hại do chuột gây ra. Cầu vượt Dhakuria, được xây dựng vào những năm 1960, cũng đang suy yếu nghiêm trọng do nạn chuột.
Lũ chuột còn nhai những chiếc lọ nhựa đựng bánh quy và bánh ngọt của anh Pal. "Tôi mất 30-40 rupee mỗi ngày" - anh Pal nói với The Straits Times khi đưa ra ba gói bánh đã bị chuột gặm hư hỏng.
Những người bán hàng rong ven đường ở Kolkata cũng không thoát cảnh này. "Nếu ném một nắm gạo ở đây vào ban đêm thì lập tức sẽ có khoảng 50-60 con chuột kéo đến ăn" – một thanh niên 26 tuổi nói và chỉ về một chỗ dọc vỉa hè nham nhở do chuột gây ra.
Chủ quán bán hàng ăn ven đường trên đường Esplanade Row ở Kolkata bất lực trước sự hoành hành của lũ chuột. Ảnh: Debarshi Dasgupta
Chuột đã đào hang khiến một số công trình kiến trúc ở Kolkata hư hại nghiêm trọng. Ảnh: Debarshi Dasgupta
Thị trưởng Kolkata Firhad Hakim thừa nhận chuột là "vấn đề lớn" của thành phố và đổ lỗi cho "những người chiếm đất bất hợp pháp" và "các quán ăn ven đường vứt thức ăn thừa ra đường".
Chính quyền TP Kolkata vẫn chưa tìm ra giải pháp diệt chuột.
"Việc đánh bả có thể khiến chúng chết hàng loạt nhưng lại dẫn đến nguy cơ lây lan chất độc sang các động vật khác ăn phải xác chuột" – Thị trưởng Kolkata nói – "Chúng tôi đã cử chuyên gia đi học hỏi khắp nơi trên thế giới về giải pháp tiêu diệt chuột nhưng đều không hiệu quả" .
Theo Bằng Hưng/Người Lao Động