Vào lúc 20h30 phút tối 14/4 (theo giờ Hà Nội), tàu New Shepard của công ty Blue Origin rời bệ phóng tại Van Horn, Texas (Mỹ), mang theo phi hành đoàn gồm 6 thành viên nữ bay vào không gian, trong đó có Amanda Nguyễn - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức phi Chính phủ Rise.
Khoảnh khắc lịch sử
Đồng hành cùng Amanda Nguyễn trong sứ mệnh NS-31 này là 5 phi hành gia nữ xuất sắc khác, bao gồm Aisha Bowe - nguyên kỹ sư hàng không vũ trụ người Mỹ gốc Bahamas, nhà báo nổi tiếng Gayle King, ca sĩ và nhà từ thiện Katy Perry, nhà sản xuất phim Kerianne Flynn và Lauren Sánchez - phi công trực thăng kiêm MC và cũng là bạn gái của tỷ phú Jeff Bezos.
 |
Amanda Nguyễn và 5 nữ phi hành gia của sứ mệnh NS-31. Ảnh: Mega. |
“Đây là phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ chuyến bay một mình vào vũ trụ của Valentina Tereshkova vào năm 1963”, Blue Origin nhấn mạnh.
Chuyến bay kéo dài khoảng 11 phút, trong đó phi hành đoàn trải qua vài phút không trọng lực ở độ cao tối đa khoảng 105km. Trong trạng thái bay lơ lửng ngoài không gian, Amanda Nguyen xúc động nói "Xin chào Việt Nam" khi vẫy tay chào mọi người. Nhiều người gọi đây là "khoảnh khắc lịch sử đáng tự hào".
Space.com mô tả Amanda Nguyễn bước ra khỏi khoang tàu màu trắng có cửa sổ ở sa mạc tây Texas, đặt tay lên ngực, rồi đấm tay lên trời, khuôn mặt cô rạng rỡ vì vui sướng khi vừa bay qua đường Kármán - được công nhận là ranh giới phân chia Trái Đất và không gian.
 |
Amanda Nguyễn bước ra khỏi khoang tàu vũ trụ sau khi trở lại mặt đất. Ảnh: Blue Origin. |
"Vào thời khắc này, tôi chỉ muốn tất cả mọi người hiểu rằng ai cũng có thể chữa lành. Không có giấc mơ nào quá hoang đường và viển vông. Như việc bay ra ngoài Trái Đất, bạn có thể thực hiện được tất cả", Amanda Nguyễn chia sẻ khi đặt chân trở lại mặt đất sau chuyến bay lịch sử.
Tạm gác giấc mơ phi hành gia hơn 10 năm để theo đuổi công lý
Hơn 10 năm trước, Amanda Nguyễn phải tạm gác lại giấc mơ phi hành gia sau khi gặp biến cố bị cưỡng bức vào năm cuối tại Đại học Harvard.
Vượt lên nỗi đau của bản thân, Amanda đã bắt tay soạn thảo và vận động cho dự luật về quyền của những nạn nhân bị bạo lực tình dục. Tháng 11/2014, cô thành lập Rise, một tổ chức phi chính phủ với mục đích bảo vệ quyền công dân của những nạn nhân bị xâm hại tình dục.
 |
Nữ phi hành gia Amanda Nguyễn. Ảnh: Mega. |
Năm 2016, dự luật do Amanda Nguyễn vận động được Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama ký thành luật vào tháng 10 cùng năm.
Chia sẻ về quyết định trở lại với giấc mơ du hành vũ trụ, Amanda Nguyễn cho biết: "Chữa lành. Cuộc đời tôi là một hành trình chữa lành, trong đó có cả sự tôn vinh con người của tôi trước đây, trước khi tôi bị tổn thương. Cô gái 10 năm trước tại NASA từng ước mơ một ngày nào đó được chạm tới những vì sao. Với cơ hội này, tôi có thể tôn vinh con người mà tôi từng là trong quá khứ. Tôi muốn đưa cộng đồng theo tôi để những cô gái Việt Nam có thể thấy chính mình giữa những vì sao".
 |
Nữ phi hành gia Amanda Nguyễn. Ảnh: TZR. |
"Đối với tôi, điều đó thể hiện rất nhiều về cách mà trong một thế hệ, những giấc mơ, sự hàn gắn và công lý của chúng ta hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Tôi thực sự muốn các cô gái Việt Nam, Đông Nam Á, là phụ nữ hoặc bất kỳ ai từng có giấc mơ bị trì hoãn, biết rằng giấc mơ của họ rất quan trọng. Ngay cả khi những ước mơ đó thực sự nằm ngoài thế giới này, chúng ta vẫn có thể đạt được", Amanda Nguyễn từng nhắn nhủ trên tạp chí People.
Nữ phi hành gia gốc Việt nói thêm: “Khi tôi được bay, tôi không chỉ nghĩ đó là chuyện của riêng mình, mà là đưa cả cộng đồng đi cùng. Tôi có thể là người đầu tiên nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng. Tôi thực sự cảm thấy vinh dự khi được trở thành một phần của lịch sử này”.
169 hạt sen Việt Nam vượt không gian và khát vọng vươn xa
Một trong những điều đặc biệt nhất trong chuyến bay vào không gian của Amanda Nguyễn chính là 169 hạt sen Việt Nam (Nelumbo nucifera) mà cô mang theo. Những hạt sen này được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lựa chọn kỹ càng.
 |
Amanda Nguyễn và cuốn hồi kí Saving Five của cô nằm trong danh sách những cuốn sách đáng mong đợi nhất năm 2025 của Tạp chí Time. Ảnh: Getty,@nguyen_amanda. |
Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), sau khi hoàn thành hành trình, những hạt sen này được đưa trở về Trái Đất để phục vụ nghiên cứu khoa học. Các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu cách điều kiện không gian ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng, đóng góp cho khoa học thực vật và khám phá vũ trụ.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhấn mạnh hành trình của 169 hạt sen là một câu chuyện vượt thời gian. Việc chọn hạt sen mang lên vũ trụ mang ý nghĩa biểu tượng cho khoa học Việt Nam vươn ra thế giới, và cho người Việt Nam ở nước ngoài như phi hành gia Amanda Nguyễn kết nối với cội nguồn.
 |
Amanda Nguyễn tại một sự kiện của nhóm các nữ phi hành gia ở Liên Hợp Quốc nhân Ngày Quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học. Ảnh: UN. |
Hành trình vào vũ trụ của Amanda Nguyễn cùng 169 hạt sen Việt Nam cũng đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, khát vọng vươn xa và phá vỡ mọi rào cản. Thành công của cô bắt nguồn từ những nỗ lực hết mình vì cộng đồng, tự đứng dậy và vượt qua nỗi đau của bản thân.
Chuyến bay vào vũ trụ của cô gái trẻ gốc Việt mang ý nghĩa đặc biệt trong năm 2025, khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sự kiện như cầu nối hai đất nước qua khát vọng chung về khám phá không gian vô tận.
Antonio Peronace, Giám đốc điều hành của Space for Humanity, ca ngợi chuyến đi của Amanda Nguyễn là biểu tượng của “sức mạnh, niềm đam mê và sự xuất chúng”, phù hợp với sứ mệnh của tổ chức là dân chủ hóa lĩnh vực không gian và thúc đẩy kết nối toàn cầu.
"Cùng nhau, chúng ta cam kết thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về vũ trụ và về tương lai của nhân loại. Tôi mong chờ hành trình của mình vào không gian cũng như hành trình tiếp theo của chúng ta hướng đến một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn", Amanda Nguyễn từng nói trước chuyến đi.
Amanda Nguyễn (sinh năm 1991) tốt nghiệp Đại học Harvard năm 2013, từng tham gia các hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Khoa học du hành vũ trụ quốc tế (IIAS). Cô cũng từng giữ chức Phó liên lạc viên Nhà Trắng tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Amanda Nguyễn được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2019 và được tạp chí Time vinh danh “Người phụ nữ của năm 2022” vì những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng.
An An