Loài muỗi không những gây ra phiền toái cho con người mà chúng còn là một trong những loài động vật nguy hiểm nhất hành tinh. Chúng chính là vật trung gian truyền bệnh nguy hiểm cho con người, gây ra cái chết của rất nhiều người trên thế giới, đặc biệt là căn bệnh sốt rét. Vì vậy, có lẽ sẽ tốt hơn nếu loài động vật nguy hiểm và đáng ghét này biến mất?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu một chút về loài muỗi.
Muỗi là nhóm động vật thuộc nhóm côn trùng. Con trưởng thành được gọi là muỗi trong khi giai đoạn chúng sống ở dưới nước được gọi là bọ gậy. Con trưởng thành cũng chỉ có hai cánh, không giống như ong có bốn cánh. Có nhiều loại muỗi khác nhau nhưng tất cả chúng đều hút máu động vật, kể cả con người để đẻ trứng.
Muỗi đã tồn tại trên Trái Đất khoảng hơn 210 triệu năm trước, chúng có khoảng 3500 loài khác nhau. Hầu hết đều hoạt động vào ban đêm, nhưng cũng có một số hoạt động vào ban ngày.
Một điều đặc biệt mà có thể nhiều người không để ý tới, đó là chỉ có muỗi cái mới đốt chúng ta, bởi chúng cần máu để đẻ trứng. Muỗi đực thường chỉ ăn mật hoa, giống như ong vậy.
Nếu một con muỗi cái hút máu của người bị nhiễm một số loại virus hoặc mắc bệnh lây truyền như sốt rét, muỗi cái có thể truyền bệnh cho người bị chúng cắn sau đó. Trong số tất cả các loài muỗi này, chỉ có khoảng 40 loại là thực sự nguy hiểm vì chúng có thể truyền bệnh khiến người bị đốt bị nhiễm bệnh.
Do đó, trong số tất cả các loài muỗi trên thế giới, có rất ít loài thực sự nguy hiểm. Nhưng số ít những loài muỗi đó lại lây lan các bệnh nguy hiểm, như bệnh sốt rét.
Hơn 200 triệu người, hầu hết là ở Châu Phi đã bị mắc căn bệnh này mỗi năm. Chỉ cần loài muỗi gây bệnh sốt rét biến mất, hơn 500.000 sinh mạng sẽ được cứu sống mỗi năm, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi.
Nếu những con muỗi truyền bệnh sốt rét này biến mất, thế giới sẽ trở nên trong lành hơn nhiều. Nghe có vẻ sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu loài muỗi biến mất. Tuy nhiên, muỗi không phải chỉ gây ra các bệnh truyền nhiễm mà chúng cũng có một vai trò quan trọng khác.
Làm thức ăn cho động vật
Các loại động vật khác nhau, bao gồm cả con người, tạo thành cái mà chúng ta vẫn thường gọi là hệ sinh thái: tất cả chúng ta đều cần nhau, theo những cách khác nhau để tồn tại. Trong hệ sinh thái này, muỗi cũng là một mắt xích cần thiết.
Có hàng tỷ con muỗi và loài côn trùng có thể trở thành bữa ăn cho các loài động vật khác. Ếch, chuồn chuồn, kiến, nhện, tắc kè và dơi… đều ăn muỗi. Bọ gậy sống ở dưới nước cũng là thức ăn khoái khẩu của loài cá.
Nếu tất cả muỗi biến mất, nhiều loài động vật này sẽ có ít thức ăn hơn. Hãy thử tưởng tượng, dù không phải ai cũng ăn cơm gạo nhưng nếu lúa gạo trên thế giới biến mất, sẽ có rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lương thực thiết yếu thay thế mà họ vốn ăn hằng ngày.
Thụ phấn cho cây
Thực tế, hầu hết muỗi không đốt người mà chúng hút máu từ các động vật khác, nhiều loài còn không hút máu. Muỗi đực cũng có thể giúp cây cối sinh sôi bằng cách thụ phấn.
Ngoài ra, chúng còn uống mật hoa hoa đường để kích thích bản thân cho những chuyến bay tìm bạn tình. Trong đó, phong lan là một trong những loài hoa muỗi ưa thích để thụ phấn.
Mặc dù nói đến việc thụ phấn cho cây, loài côn trùng làm tốt nhất phải kể đến chính là ong và bướm, nhưng muỗi cũng có một vai trò quan trọng đối với một số loài thực vật, đặc biệt là hoa phong lan.
Nhiều người cho rằng, việc loại bỏ loài muỗi sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhưng, không ai trong chúng ta chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với các hệ sinh thái nhỏ hơn và liệu chúng có “khỏe mạnh” hơn nếu không có muỗi hay không.
Còn có một lo lắng nữa, rằng nếu chúng ta loại bỏ tất cả loài muỗi, liệu chúng có thể bị thay thế bằng một thứ gì đó còn đáng sợ hơn, chẳng hạn như một loại côn trùng hút máu khác có thể gây ra nhiều bệnh hơn hoặc đốt đau hơn.
Tin tốt là các nhà khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới vẫn đang nỗ lực để tìm ra các cách đối phó với những loài muỗi gây nguy hiểm cho con người. Chúng ta có thể không loại bỏ được hết muỗi nhưng chúng ta có thể ngăn chặn những loài làm lây lan bệnh tật và khiến chúng ta bị nhiễm bệnh.
Theo Thanh Ngọc/Công lý & xã hội