Trên Trái đất, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tự hào là nơi có tòa nhà cao nhất, hòn đảo nhân tạo lớn nhất, trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới, với khu trượt tuyết trong nhà và đàn chim cánh cụt. Nhưng diện tích Trái đất cũng có giới hạn, chính vì thế, quốc gia vùng Vịnh đang hướng đến việc tìm kiếm nơi khác.
Nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, trong khoảng một thế kỷ nữa, UAE sẽ xây dựng một thành phố rộng lớn trên sao Hỏa, đủ chỗ cho khoảng 600.000 người sinh sống.
Ông Sheik Mohammed bin Rashid al Maktoum, Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE, gọi dự án này là Sao Hỏa 2117. “Chúng tôi hy vọng thế kỷ tới sẽ phát triển khoa học, công nghệ và niềm đam mê của giới trẻ đối với tri thức. Dự án này được phát triển với tầm nhìn đó”.
UAE đã tham gia vào “sân chơi” gồm các quốc gia có nền khoa học công nghệ hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu, cùng với các cá nhân như tỷ phú Elon Musk, người sáng lập tập đoàn SpaceX, trong nỗ lực đưa con người lên sao Hỏa.
|
Khu định cư trên sao Hỏa vẫn chưa có tên, nhưng có nhiều ý kiến đề xuất là City of Wisdom và được cho là có khả năng nhất. Ảnh: 123RF. |
Quốc gia giàu có này đang tích cực bồi dưỡng một đội ngũ chuyên gia hàng đầu, trong đó nòng cốt là các nhà khoa học và kỹ sư trẻ với hy vọng sẽ cộng tác với các nhà khoa học quốc tế để tìm ra phương thức tốt nhất đưa người Trái đất lên sao Hỏa, cũng như giải quyết vấn đề lương thực và nhà ở khi con người đến.
Saeed Gergawi, Giám đốc dự án, cho biết: “Dự án Mars 2117 là nỗ lực chung của nhiều quốc gia, cùng nhau làm việc để hoàn thành một mục tiêu”.
Quốc vương Maktoum, 67 tuổi, là người đứng đằng sau một số dự án xa hoa nhất UAE, đã mô tả kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa là một phần của nỗ lực xây dựng ngành khoa học công nghệ, truyền cảm hứng cho giới trẻ, giảm sự phụ thuộc kinh tế vào dầu mỏ của khu vực này. Theo Quốc vương Maktoum, dự án chính là hạt giống mà con người gieo trồng ngày nay để các thế hệ tương lai gặt hái thành quả.
Nhưng Sao Hỏa 2117 không giống với bất kỳ một dự án nào trước đó. Nó thực sự là một thách thức. Để vượt qua quãng đường hơn 54 triệu km, có thể phải mất gần 9 tháng, với nhiệt độ trung bình là -81 độ. Bên cạnh đó còn có các vấn đề liên quan đến không khí, sản xuất điện, quản lý chất thải và các vấn đề khác về quản lý thành phố.
Ông Gergawi cho biết nhóm phụ trách dự án có thể sử dụng chính mô hình xây dựng các thành phố hiện tại ở UAE. Các ngôi nhà có thể được xây dựng từ đất sao Hỏa, sử dụng công nghệ in 3-D, trồng rau quả trong nhà kính, và một số protein có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Nhưng “hệ thống chính trị có lẽ sẽ khác với những gì hiện có trên Trái đất”, ông Gergawi nói.
Theo Cơ quan Vũ trụ UAE, nước này đã đầu tư hơn 4 tỷ USD vào công nghệ vũ trụ, nhằm phát triển một khu vực vũ trụ quốc tế tầm cỡ quốc tế. Mục tiêu đầu tiên của cơ quan này là gửi một máy thăm dò thời tiết không người lái mang tên Hope to Mars vào năm 2021, đúng thời điểm kỷ niệm 50 năm giành độc lập. Một số trường đại học của Mỹ đang hỗ trợ dự án này.
Theo Minh Hải/Zing News