Môi trường kinh doanh nhiều biến động
Cả ba công ty kể trên kiểm soát hơn 50% thị trường smartphone toàn cầu, đều đang phải đối mặt với môi trường căng thẳng do giới chức chính trị gây ra. Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản kiên quyết siết chặt xuất khẩu với Hàn Quốc, tất cả đều tác động tiêu cực tới ba ông lớn. Những tháng cuối năm này sẽ là giai đoạn khó khăn với tất cả.
Samsung, vẫn yên vị dẫn đầu toàn thị trường smartphone, cho biết thách thức vẫn còn ở phía trước. Huawei, hãng smartphone lớn thứ hai thế giới, bày tỏ lo ngại không kém trước việc chính quyền ngài Trump gây khó dễ khi làm ăn với các công ty Mỹ. Apple đang phải đối mặt với việc mất thị phần trên toàn cầu, kể cả khi kinh doanh tại Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục. Doanh thu từ iPhone đã giảm 12% trong quý vừa rồi, nhiều mặt hàng sắp phải chịu áp thuế do sản xuất tại Trung Quốc.
|
Thị trường smartphone đang trở nên khắc nghiệt. Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc phủ bóng đen lên ngành công nghiệp. |
Ba ông lớn làng di động thế giới
Neil Shah, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint nói với tờ Nikkei rằng: "Apple đối mặt với thách thức suy giảm doanh số iPhone tại các thị trường bên ngoài nước Mỹ. Đối với Samsung, doanh số dòng cao cấp Galaxy S/Note cũng yếu đi nhiều, tại khu vực châu Âu và Mỹ". Còn với Huawei, lệnh cấm vận của Mỹ là tác động lớn nhất đến mảng kinh doanh smartphone.
Trông đợi vào mạng viễn thông thế hệ mới
Một chuyên gia đến từ hãng nghiên cứu IDC cho biết. Top 3 hãng dẫn đầu có xu hướng đi xuống về thị phần. Trong khi các hãng dưới họ (gồm Xiaomi, Vivo và Oppo), lại có xu hướng đi lên. Tuy nhiên, xu hướng này có thể thay đổi với cuộc chiến ở thị trường smartphone, khi có nhân tố mới xuất hiện. Mạng viễn thông 5G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các công nghệ VR/AR, xe tự hành, robot, trí tuệ nhân tạo bùng nổ.
Có tác động sâu rộng trên nhiều mặt của đời sống, 5G được cả ba ông lớn chú ý như chìa khóa cho điện thoại cao cấp, vốn đang thiếu đổi mới để hấp dẫn khách hàng. Người dùng sẽ chi tiền sau nhiều năm để sở hữu điện thoại hỗ trợ 5G, tạo nên một làn sóng nâng cấp. Tuy vậy, mạng 5G cũng mở ra cánh cửa cho các hãng ở dưới như Oppo, Vivo, Xiaomi, có thể "lật kèo" vươn lên top 3. Apple là mục tiêu dễ bị truất ngôi nhất, khi doanh số iPhone tiếp tục giảm.
5G là công nghệ hứa hẹn thay đổi cục diện thị trường smartphone
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đảm bảo cho sự thành công của các công ty trong nước. Nhằm giành ưu thế dẫn đầu kết nối 5G so với các quốc gia khác. Điều này có lợi nhiều nhất cho Huawei và các hãng di động nhỏ hơn. Oppo và Xiaomi đều đã giới thiệu các nguyên mẫu 5G, hứa hẹn sẽ ra mắt trong thời gian tới để đón đầu thị trường.
Huawei tự tin khẳng định sẽ là hãng điện thoại đầu tiên của đất nước tỷ dân ra mắt điện thoại 5G. Họ có riêng đơn vị viễn thông đang dẫn đầu thế giới về nghiên cứu mạng viễn thông thế hệ mới, do vậy nắm lợi thế lớn. Nói với Nikkei, công ty kỳ vọng có thể giao được 100 triệu smartphone 5G vào năm 2020, một mục tiêu rất tham vọng khi công nghệ này vẫn còn sơ khai.
Hàn Quốc cũng sốt sắng không kém Trung Quốc trong cuộc đua này. Họ đã triển khai mạng di động 5G đầu tiên trên thế giới hồi tháng Tư. Samsung và LG đều đã bán ra những chiếc điện thoại 5G thương mại đầu tiên, được người dùng đón nhận. Sắp tới, hai hãng sẽ mang sản phẩm đến Mỹ bằng cách hợp tác với các nhà khai thác mạng viễn thông địa phương.
Apple đối mặt với nguy cơ mất vị trí thứ 3 vào tay Xiaomi, Oppo
Kẻ chậm chạp nhất trong top 3 cũng chính là cái tên yếu thế nhất. Trong khi Huawei và Samsung đều đảm bảo có ngay sản phẩm trong năm nay, thiết bị hỗ trợ 5G đầu tiên của Táo khuyết phải chờ đến sang năm. Nguyên nhân chính là công ty không có đơn vị viễn thông hỗ trợ như Samsung, Huawei. Họ yếu cả về công nghệ liên lạc di động lẫn thiếu hụt nguồn cung modem 5G. Để đảm bảo vị thế trong cuộc chiến mới, Apple buộc phải xuống tay mua bộ phận nghiên cứu modem mạng của Intel. Chi 1 tỷ USD có thể xem là cái giá cần phải trả, vẫn rẻ hơn nhiều nếu Apple thả nổi rồi để thua cuộc.
5G có thực sự tạo ra cú nhảy vọt?
Trong vòng 5 năm tới, khách hàng sẽ thấy các hãng giới thiệu 5G ở khắp mọi nơi, người ta bàn về nó tựa như một tiêu chuẩn phân loại điện thoại cao cấp và không cao cấp. Tất cả các hãng smartphone đều sẽ tìm cách giới thiệu điện thoại 5G. Jeff Pu, nhà phân tích công nghệ kỳ cựu của GF Securities nói bất kỳ hãng nào không ra mắt được thiết bị 5G năm tới, sẽ tụt lại sau bữa tiệc của thị trường. Đơn giản bởi số còn lại đều đưa ra ít nhất một lựa chọn cho khách hàng.
Trong năm 2020, nếu không ra mắt ít nhất một mẫu hỗ trợ 5G, bạn sẽ lạc hậu
Thế nhưng, 5G thực sự là cuộc cách mạng với người dùng hay không, vẫn còn ngờ vực. Pu bổ sung rằng: "Chúng tôi vẫn đặt câu hỏi về trải nghiệm ‘bá đạo' mà mạng 5G mang lại cho người dùng cuối, có gì mới ngoài cải thiện tốc độ tải xuống cực nhanh hay không?". Nó được quảng cáo khắp nơi là một tính năng bắt buộc phải có trên điện thoại cao cấp, nhưng chưa nhất thiết sẽ trở thành một "bom tấn" như kỳ vọng.
Bởi vì lợi ích về tốc độ cao và độ trễ thấp, thứ dễ cảm nhận nhất với người dùng, cũng đi kèm chi phí cao hơn. Mạng 5G sẽ khiến các hãng phải thiết kế lại sản phẩm, cũng như cung cấp viên pin lớn hơn, chi phí phát triển chắc chắn tăng so với smartphone 4G. Đồng thời, không thể khai thác lợi ích của điện thoại 5G nếu không có cơ sở hạ tầng mạng tương xứng. Điều này chỉ có thể xảy ra ở các thành phố tiên tiến, ở một số quốc gia phát triển. Ngay việc phủ sóng 5G toàn quốc đã là một nhiệm vụ gian nan với bất kỳ nước nào.
"Chúng tôi kỳ vọng 5G có thể hồi sinh thị trường, nhưng nó chỉ có thể được khuếch đại khi có mạng viễn thông", Lee Chang-min, nhà phân tích tại KB Securities, nói với Nikkei. "Nó sẽ không thay đổi thị trường sớm, mà phải mất nhiều thời gian" - ông bổ sung.
Theo Vnreview