Cảm biến vân tay dưới màn hình
Sẽ chẳng có vấn đề gì với trang bị này khi Apple đã bỏ cảm biến vân tay từ khá lâu, trên thế hệ iPhone X và Face ID vẫn thể hiện rất tốt. Nhưng khi Apple giới thiệu iPad Air 4 có cảm biến vân tay tích hợp vào nút nguồn và rất tự hào với chi tiết này, đã có những kỳ vọng Apple sẽ đưa trang bị này trở lại iPhone.
Nhưng rốt cuộc, iPhone 12 chỉ hỗ trợ Face ID khi nói đến xác thực sinh trắc học. Ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay, đeo khẩu trang là cần thiết vì thế dùng Face ID sẽ đem tới khó chịu nhất định, Touch ID có thể phù hợp hơn nhiều.
Những smartphone Android đầu bảng như Galaxy Note 20 và OnePlus 8 Pro vẫn có cảm biến vân tay và mở khóa bằng khuôn mặt.
Màn hình luôn hiển thị
Apple Watch đã có always-on display kể từ Series 5 ra mắt vào năm ngoái nhưng vẫn chưa thấy tính năng này trên iPhone.
Những smartphone Android đang làm điều này rất tốt, hiển thị những thông tin cơ bản mà không cần phải mở sáng màn hình lên như thời gian, ngày tháng, mức pin và thông báo chưa đọc ngay cả khi màn hình tắt.
Việc có màn hình always-on display giúp nhìn thời gian hoặc xem thông báo đến từ ứng dụng nào dễ dàng hơn mà không bị bỏ lỡ những thông tin quan trọng.
Màn hình tần số quét cao
Với những smartphone Android, việc có màn hình 90Hz như Realme 7, 120Hz như Galaxy Note20 Ultra thậm chí 144Hz như Xiaomi Mi 10T Pro là không hiếm. Lợi ích của trang bị này ai cũng có thể thấy rõ, giúp cho ứng dụng mượt mà hơn, trải nghiệm chơi game, giải trí đã mắt hơn. Những ai đã dùng màn hình tần số quét cao khi quay về những màn hình 60Hz như iPhone 12, cho dù sức mạnh phần cứng có đến đâu cũng bị hụt hẫng đôi chút.
Mặc dù iPad Pro với tính năng gọi là ProMotion giúp tăng tần số quét lên 120Hz nhưng iPhone 12 thì vẫn làm người dùng phải tiếp tục chờ đợi.
Theo Hải SN/Nghe nhìn VN