1. Không sử dụng kết nối Wi-Fi công cộng
WiFi công cộng thường được cung cấp miễn phí (nghĩa là không có mật khẩu), do đó, bất cứ ai cũng có thể xâm nhập và thực hiện các cuộc tấn công. Để đảm bảo an toàn, người dùng không nên sử dụng kết nối WiFi công cộng để thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến. Thay vào đó, bạn nên sử dụng kết nối 4/5G trên điện thoại.
2. Không sạc điện thoại tại các trạm sạc công cộng
Tại các trạm sạc công cộng (sân bay, nhà chờ xe buýt, siêu thị…), kẻ gian có thể sử dụng cáp USB độc hại để lấy cắp dữ liệu của bạn. Do đó, khi đi ra ngoài, bạn nên sử dụng sạc dự phòng (và cáp USB riêng) thay vì cắm sạc tại các trạm sạc công cộng.
3. Không tìm kiếm số điện thoại của bộ phận chăm sóc khách hàng (ngân hàng) hoặc các số quan trọng trên Google
Khi có thắc mắc hoặc cần khiếu nại, bạn hãy truy cập trực tiếp trang web chính thức của ngân hàng để lấy thông tin liên quan (số điện thoại, email…). Không tìm kiếm các thông tin này trên Google, bởi lẽ kẻ gian có thể chạy quảng cáo và đưa các thông tin giả mạo lên đầu, khi người dùng gọi vào các đầu số dịch vụ giả mạo sẽ bị tính cước phí rất cao.
|
Trang web giả mạo các dịch vụ của ngân hàng. Ảnh: TIỂU MINH
|
4. Không cài đặt ứng dụng bên ngoài Google Play và App Store
Mặc dù Google Play và App Store không an toàn tuyệt đối 100%, nhưng các ứng dụng trên đây đều được đã được kiểm duyệt. Việc cài đặt các ứng dụng từ các kho của bên thứ ba có thể khiến bạn bị rò rỉ thông tin và mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
5. Đừng bỏ qua các bản cập nhật bảo mật Android
Đa số các bản cập nhật phần mềm đều giúp cải thiện hiệu suất và khắc phục các lỗ hổng bảo mật còn tồn đọng trước đó. Do đó, ngay khi có bản cập nhật mới, người dùng nên cập nhật ngay lập tức để hạn chế bị tấn công và rò rỉ thông tin cá nhân.
6. Không nhấp vào các liên kết lạ được gửi qua tin nhắn, email
Email, tin nhắn là một trong những phương thức phổ biến thường được tin tặc sử dụng để phát tán phần mềm độc hại. Đã có không ít trường hợp người dùng bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng sau khi nhấp vào liên kết lạ được gửi kèm trong tin nhắn, email…
7. Không chia sẻ thông tin ngân hàng hoặc KYC (Know your customer) trên Facebook, Twitter và Instagram
Để đảm bảo an toàn, bạn không nên chia sẻ bất kỳ thông tin ngân hàng hoặc thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Kẻ gian có thể thu thập những thông tin này và bán lại cho các bên thứ ba hoặc gây bất lợi cho bạn.
8. Không sử dụng mật khẩu dễ đoán cho các tài khoản ngân hàng trực tuyến
Mật khẩu yếu sẽ dễ bị bẻ khóa và dễ bị tấn công hơn. Ngược lại, việc sử dụng mật khẩu mạnh (tối thiểu 8 ký tự, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt) sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị tấn công trên môi trường không gian mạng.
9. Đừng quên thay đổi mật khẩu ngân hàng trực tuyến thường xuyên
Để đảm bảo an toàn, người dùng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu ngân hàng và các tài khoản quan trọng 3-4 tháng/lần. Bên cạnh đó, bạn cũng nên sử dụng thêm các phần mềm quản lý mật khẩu (LastPass, Bitwarden, 1Password…) để quản lý nhiều mật khẩu, hạn chế tình trạng quên mật khẩu trong tương lai.
10. Liên kết số điện thoại và email thường sử dụng với tài khoản ngân hàng
Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi biến động số dư và các giao dịch ngân hàng, nhanh chóng phát hiện được các giao dịch trái phép (nếu có).
|
Không chia sẻ thông tin ngân hàng với bất kỳ ai. Ảnh: TIỂU MINH |
11. Không chia sẻ thông tin ngân hàng với bất kỳ ai
Những kẻ lừa đảo thường sẽ giả danh làm nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng… để khai thác thông tin ngân hàng của bạn. Dù đã có nhiều bài viết cảnh báo về tình trạng này, nhưng vẫn có không ít người vẫn trở thành nạn nhân của kẻ gian.
Do đó, bạn hãy nhớ tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan điều tra…
12. Không cấp quyền không cần thiết cho các ứng dụng trên điện thoại
Việc cấp quá nhiều quyền hạn không cần thiết sẽ cho phép ứng dụng truy cập dữ liệu của bạn nhiều hơn, và điều này có thể khiến bạn bị tin tặc tấn công.
Theo Tiểu Minh/Kỷ nguyên số