Những ngày này, thung lũng Silicon bao trùm một cảm giác lạ lẫm. Ở khắp nơi trên thế giới: Denver, Toronto, Berlin, Slicon Glen – dường như mọi thành phố đều muốn trở thành trung tâm khởi nghiệp – một “thung lũng Silion mới”. Tuy nhiên, bản thân bên trong nơi này, người ta cảm nhận sâu sắc việc thời vàng son của các startup đã qua.
Không có "ngòi nổ"
Những sinh viên mới tốt nghiệp ngành kỹ thuật và kinh doanh đều mơ ước tạo ra một Facebook, Uber hay Airbnb mới. Gần như mọi thành phố lớn đều tự hào có một hoặc nhiều “vườn ươm” startup, học theo mô hình của Y Combinator từ Paul Graham. Họ mơ ước “tái định hình nền kinh tế”, trở thành những con khủng long của thế giới.
|
Theo Techcrunch, thời của các startup đã qua. |
Thực tế, thời kỳ đó đã qua, theo Techcrunch. Giờ là thời của những doanh nghiệp lớn, không dành cho startup, ít nhất là trong thập kỷ tiếp theo. Nói một cách dễ hiểu, sinh viên mới tốt nghiệp có xu hướng trở thành nhân viên của Mark Zuckerberg hơn là trở thành CEO như anh ta.
Sự bùng nổ của web những năm 1997-2006 đã tạo ra Amazon, Facebook, Google, Saleforce, Airbnb vì Internet là thứ gì đó mới mẻ. Ngành công nghiệp smartphone bùng nổ giai đoạn 2007-2016 tiếp tục mang đến Uber, Lyft, Snap, WhatsApp, Instagram.
Không còn những cuộc cách mạng như vậy trong lộ trình tiếp theo. Web đã bị chiếm đóng bởi các doanh nghiệp lớn. Mỗi người đều có trên tay chiếc điện thoại thông minh và vẫn là các công ty lớn thống trị App Store. Trên hết, những công nghệ được xem là “lớn” sắp tới đều rất phức tạp, tốn kém, đòi hỏi quy mô tổ chức và vốn cực lớn.
Mời độc giả xem video: "Startup Việt Nam trẻ nhưng thiếu sức sáng tạo". Nguồn: FBNC:
Các ông lớn chèn ép cả thế giới
Alphabet, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft đã phát triển từ “năm hãng công nghệ lớn” thành “năm công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Tương lai thuộc về họ, hoặc ít nhất thuộc về những doanh nghiệp tương tự như họ.
Nhiều người đồng tình rằng làn sóng công nghệ tiếp theo sẽ bao gồm AI, drone, AR/VR, tiền ảo, xe tự lái và Internet of Things. Chúng đều không phải những công nghệ có thể tiếp cận từ xa như web và điện thoại thông minh.
|
10 startup giá trị nhất thế giới, theo thống kê của Worldatlas, thời điểm tháng 8/2017. |
AI không chỉ đòi hỏi những tài năng hàng đầu. Tài năng đó sẽ vô dụng nếu không có một núi các dữ liệu phù hợp. Ai là người nắm giữ những dữ liệu tốt nhất? Chính là 5 ông lớn nói trên, bên cạnh một số công ty Trung Quốc như Tencent, Alibaba hay Baidu.
Các thiết bị phần cứng như drone hay IoT đều rất khó tạo mẫu thử nghiệm, lợi nhuận thấp, tốn kém khi đưa ra thị trường. Hãy hỏi Fitbit, Jawbone hay HTC về điều này.
Xe tự lái thậm chí còn đắt đỏ hơn nữa. Giống công nghệ sinh học, đây là cuộc chiến đòi hỏi nhiều vốn giữa các công ty khổng lồ. Một vài công ty mới thành lập sẽ bị mua lại, thay vì có cơ hội trở thành đối thủ của những ông lớn nói trên.
Vậy đâu là hướng đi cho các startup công nghệ? Đấu tranh và kỳ vọng được mua lại bởi một công ty lớn hơn, lý tưởng nhất là 5 ông lớn này. Tất nhiên, vẫn có một số startup xuất hiện nhưng sẽ hiếm hơn nhiều so với thời điểm bùng nổ web và mobile trước đây.
Hãy xem xét Y Combinator. 5 năm trước, vào năm 2012, 3 công ty còn non trẻ đã thống trị thị trường và trở nên lớn mạnh gồm Airbnb, Dropbox và Stripe, dưới sự đào tạo của họ.
|
Sẽ khó có những startup vươn lên giống như Uber trong 5-10 năm tới. Ảnh: Time. |
5 năm gần đây, họ không đưa ra được cái tên nào nổi tiếng như 3 công ty này. Tiềm năng nhất trong số này có thể kể đến Instacart. Tuy nhiên, Amazon đã gia nhập thị trường với Amazon Fresh, thậm chí còn mua lại Whole Foods.
Từ giai đoạn này trở đi, các ông lớn sẽ tích lũy được nhiều quyền lực hơn, khiến startup ngày càng khó để cạnh tranh.
Tín hiệu buồn
Đây chắc chắn không phải tin vui. Các doanh nghiệp lớn đã có quá nhiều quyền lực. Amazon và Google chiếm ưu thế đến mức đã có những kêu gọi yêu cầu họ phải điều chỉnh. Tin tức giả mạo trên Facebook thậm chí còn ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới đây.
Thêm nữa, startup mang đến hướng đi và luồng suy nghĩ tươi mới trong khi các ông lớn thường bị đình trệ theo cách làm việc cũ rích. Tuy nhiên, trong 5 đến 10 năm nữa, những thương hiệu này sẽ tiếp tục tích lũy năng lượng nhiều hơn nữa, ít nhất cho đến khi có một cuộc cách mạng nào đó bùng nổ.
Theo Thành Duy/Zing News