1. Để nhuộm tóc, phụ nữ từng dùng... chì và lưu huỳnh
Phương pháp làm đẹp bằng cách nhuộm tóc đã xuất hiện từ rất sớm, nhưng việc thiếu kiến thức về hóa học nhiều khi dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Người cổ đại cũng đã làm thuốc nhuộm từ cây cỏ, nhưng hiển nhiên là hiệu quả không được lâu dài. Do đó, người Hy Lạp và La Mã đã quyết định nhuộm tóc bằng hóa chất để màu giữ được lâu hơn, trong các hóa chất đó có cả lưu huỳnh.
Vào những năm 1700, người Ý thường thích ngâm tóc vào các dung dịch có tính ăn mòn như dung dịch kiềm để có mái tóc màu vàng sáng. Nhiều phụ nữ châu Âu dùng bột nghệ và lưu huỳnh để có màu tóc đẹp hơn.
Thậm chí vào thời xưa, người Afghanistan còn tin rằng nhuộm tóc có thể trị được chứng đau đầu.
2. Nâng ngực bằng... cầu thủy tinh và vụn lốp xe
Ngay từ thời cổ đại, phụ nữ đã có vô vàn cách khác nhau để cải thiện vòng 1 của mình, ví dụ như các loại kem làm tăng kích cỡ ngực, một số người bôi dầu dừa và tin rằng nó sẽ giúp cải thiện vòng 1.
Tuy nhiên, tham vọng làm đẹp của phụ nữ không dừng lại ở đó. Sau cuộc phẫu thuật ngực đầu tiên năm 1895 thực hiện bởi bác sĩ Vincenz Czerny nhằm giúp ngực của bệnh nhân cân đối hơn sau khi cắt bỏ khối u, nhiều bác sĩ cũng thực hiện phẫu thuật nâng ngực giúp làm đẹp cho chị em phụ nữ.
Các nguyên liệu làm ngực giả này bao gồm nhiều thứ kì quái và nguy hiểm đến khó tin: từ những quả cầu thủy tinh, ngà cho đến vụn cao su, len, bọt biển... Kết quả hiển nhiên là những cuộc phẫu thuật này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: hoại tử da, u hạt, các vấn đề về gan, hôn mê, thậm chí là cả tử vong.
3. Phân động vật từng được dùng trong điều trị bệnh
Nghe có vẻ khá 'kinh dị', nhưng thời xưa, phân động vật từng được dùng khá nhiều trong y tế. Phụ nữ Ai Cập cổ đại trộn phân cá sấu với mật ong tạo thành hỗn hợp và đưa vào... âm đạo để tránh thai. Phương pháp này được ghi nhận là 'khá hiệu quả'.
Cũng ở Ai Cập, các chiến binh sẽ bôi chất thải động vật để vết thương mau lành. Phân cừu được người Scotland sử dụng cho việc trị bệnh đậu mùa, còn phân lợn dùng để ngưng... chảy máu cam.
4. Các bác sĩ từng khoan vào đầu bệnh nhân để 'giải thoát các linh hồn xấu'
|
Người đàn ông trong bức tranh có vẻ rất khổ sở, nhưng bác sĩ dường như tin rằng làm vậy mới là tốt cho anh ta. |
Để có những tiến bộ y học ngày nay, đã có không ít những phương pháp chữa bệnh kỳ quái từng được thử nghiệm trong quá khứ. Khoan xương là một trong số đó.
Các thầy thuốc tin rằng họ có thể trị chứng co giật, đau đầu và cả nhiễm trùng với phương pháp này. Khi đó, người ta tin rằng nhiều bệnh tật bị gây ra bởi quỷ dữ nhập vào tâm trí, do đó họ khoan hộp sọ để đẩy những linh hồn quỷ dữ ra ngoài.
May thay, phương pháp này đã bị xóa sổ từ cuối thời Trung cổ. Một số dấu tích hộp sọ của người xưa còn cho thấy vài bệnh nhân thậm chí vẫn sống sót sau những lần 'chữa trị' này.
5. Những người phụ nữ 'khóc thuê'
Một đám tang thông thường ở La Mã cổ đại bắt đầu bằng một đoàn diễu hành đưa linh cữu qua những con đường, những người họ hàng kêu khóc và đi theo đoàn đưa linh cữu ấy. Số người đến dự đám tang càng đông thì có nghĩa là người đã khuất càng được kính trọng.
Đôi khi, gia đình người đã khuất sẽ thuê những người phụ nữ đặc biệt khóc đưa tang để 'gây ấn tượng' với những người xung quanh. Để nhấn mạnh sự đau khổ của mình, những người phụ nữ này còn cào xước má đến chảy máu hay bứt tóc của mình.
Về sau, truyền thống này đã bị coi là tiêu cực và thái quá. Người ta không được thuê những người 'khóc thuê' chuyên nghiệp nữa vì điều này trái ngược với hình ảnh tĩnh lặng của cư dân nơi đây.
6. Luật pháp cho phép cha giết người yêu của con gái
Những người cha có ảnh hưởng rất lớn trong gia đình và đặc biệt với những cô con gái của mình. Thực tế, họ có toàn quyền chọn chồng cho con gái. Những luật lệ về vấn đề này rất nghiêm ngặt, và các cô gái không được phép có quan hệ thân mật với bất cứ ai trước khi cưới.
Một người cha có thể giết người yêu của con gái một cách hợp pháp (thậm chí giết cả con gái) nếu như người cha này bắt gặp được con gái và người tình đang 'thân mật' quá giới hạn.
7. Cha có thể bán con cho người buôn nô lệ
Ở La Mã cổ đại, người cha là người chủ gia đình và có quyền sở hữu cả vợ, con và toàn bộ tài sản. Những người cha cũng có quyền quyết định xem liệu có nên giữ những đứa trẻ mới sinh lại nuôi hay không.
Cha có quyền bán con trai cho người buôn nô lệ. Nếu người chủ đã mua đứa con này không cần nó nữa, nó có thể trở về với gia đình.
Tuy nhiên, người cha 'chỉ' có thể bán con đến lần thứ ba, nếu không sẽ bị xem là 'người cha tồi tệ'.
8. Cạo lông mày như một cách 'để tang' mèo
Người Ai Cập cổ đại tôn thờ loài mèo, họ tin rằng loài mèo đem đến vận may cho gia đình mình. Bastet là nữ thần biểu tượng cho gia đình, loài mèo và sinh sản, thường được thể hiện dưới hình dạng một con mèo hoặc một người phụ nữ đầu mèo.
Loài mèo được coi như một loài vật linh thiêng, và kẻ nào làm hại chúng có thể bị xử tử.
Những gia đình Ai Cập cổ đại sẽ khóc thương cho cái chết của một chú mèo trong gia đình bằng cách cạo lông mày của mình. Xác của chú mèo sẽ được ướp thơm và đặt trong một lớp mặt nạ bằng gỗ được tạo hình đặc biệt.
Xác ướp của mèo cũng sẽ được đặt trong lăng mộ của gia đình hoặc ở một nghĩa trang dành riêng cho mèo.
9. Nhà vệ sinh công cộng ở La Mã cổ đại
Người La Mã cổ đại thường đến những nhà tắm công cộng và sử dụng những miếng bọt biển để làm sạch cơ thể.
Chỉ có một số ít người giàu có mới có nhà tắm riêng hoặc nhà vệ sinh trong nhà. 95% dân số còn lại sử dụng nhà vệ sinh công cộng với những bệ dài làm bằng đá hoặc gỗ, các lỗ cách nhau hơn 1m. Sự riêng tư là điều xa xỉ ở thời đại này.
Theo Mai Hoa/Giadinhmoi.vn