CẦU ĐƯỢC LÀM TỪ RỄ CÂY ĐA
Một trong những cây cầu thú vị nhất trên thế giới được cho là Cầu Living Roots ở Cherrapunji, Ấn Độ.
War-Khasis và War-Jaintias là 2 bộ tộc với mối thân tình từ xưa ở bang Meghalaya (đông bắc Ấn Độ). Họ vốn chú ý đến sự mạnh mẽ của rễ cây đa búp đỏ. Ý tưởng biến chúng thành những cây cầu vượt sông, phục vụ nhu cầu dân sinh từ đó mà ra đời.
Ban đầu, người War-Khasis đã xây cầu bằng tre, tuy nhiên thời tiết khắc nghiệt khiến những cây cầu tre không thể chịu nổi sức phá hoại của gió bão. Cầu rễ cây ra đời đã thay đổi cuộc sống của họ.
Những người ở Meghalaya có nhiều cách để tạo nên cầu bằng rễ cây đa cao su. Đôi khi, họ dùng tay không buộc, xoắn nó vào nhau và đợi thời gian để rễ cây tạo thành hình dáng mong muốn.
Theo truyền thống, người War-Khasis bắt đầu bằng việc trồng cây ở 2 bên bờ. Sau đó, họ luồn và xoắn rễ quanh một cây cầu gỗ tạm thời để dẫn sang bờ bên. Khi rễ mọc sang bờ bên kia, người dân cắm nó xuống đất. Qua thời gian, rễ hấp thụ dưỡng chất, khỏe hơn và tạo nên những cây cầu vững chắc.
Thời gian để các cầu rễ cây phát triển có thể kéo dài tới 30 năm. Điều này còn phụ thuộc vào cách người dân chăm sóc rễ, thời tiết... Tuy nhiên, một khi chúng đủ cứng cáp, những cây cầu rễ cây có thể chịu được trọng lượng của hơn 50 người. Ngoài tính vững chắc, các cây cầu rễ đa cũng có sức sống bền bỉ, một số cây cầu cổ có tuổi đời lên tới hơn 500 năm.
CÂY CẦU TOÁN HỌC
Cây cầu gỗ bộ hành có từ thế kỷ 18 bắc ngang Sông Cam và kết nối 2 nửa của trường Queens’ College. Cầu Toán học là một trong những địa danh được nhiều người biết đến nhất tại Đại học Cambridge và là nguồn gốc của một truyền thuyết địa phương liên quan đến Isaac Newton.
Tương truyền, nhà khoa học vĩ đại đã xây dựng cây cầu bắc ngang sông này nhằm chứng minh luật hấp dẫn. Tuy nhiên câu chuyện này hơi hoang đường vì cây cầu chỉ được xây dựng hơn 20 năm sau khi nhà vật lý - toán học danh tiếng qua đời. Được thiết kế bởi William Etheridge và được xây dựng bởi James Essex, cây cầu được hoàn thành vào năm 1749.
Cấu trúc cầu trông như một cổng vòng bắc ngang dòng sông. Điều thú vị là toàn bộ kiến trúc đều làm từ những thanh gỗ thẳng, chính cách sắp xếp thông minh đã tạo nên dáng vòm và sự kiên cố của cầu. Lại có truyền thuyết khác cho rằng việc xây dựng cầu không sử dụng đinh, nhưng đây cũng không phải sự thật. Những phiên bản đầu, cầu được kết nối bằng đinh sắt, còn cây cầu hiện tại sử dụng nhiều loại ốc vít.
CẦU ĐƯỢC HAI BÀN TAY “NÂNG ĐỠ”
Cầu Vàng là tên một cây cầu bộ hành dài khoảng 150m tại khu nghỉ dưỡng Bà Nà, Đà Nẵng, Việt Nam.
Nằm ở độ cao khoảng 1.414m (so với mực nước biển) trên núi Bà Nà, cầu nối liền trạm cáp treo với các khu vườn khác của khu nghỉ dưỡng. Ở giữa cầu có 2 bàn tay lớn được thi công bằng lắp ráp khung xương và đắp vữa bên ngoài để tạo điểm nhấn cho cây cầu.
Cầu có 8 nhịp, nhịp lớn nhất dài 21,2m. Cầu có thêm 2 bàn tay tạo dáng giống như đang nâng đỡ thân cầu, đường kính các ngón tay khoảng 2m. Mặt cầu được thiết kế chủ yếu từ gỗ kiềng, dày 5cm, lan can bằng inox mạ vàng. Cầu Vàng chính thức được khánh thành vào tháng 6/2018.
Box: Tháng 5 năm 2020, bức ảnh chụp Cầu Vàng ở Đà Nẵng đã giành chiến thắng chung cuộc của cuộc thi nhiếp ảnh xoay quanh đề tài kiến trúc Architecture2020 do ứng dụng chia sẻ ảnh Agora tổ chức. Ngày 20/3/2021, Cầu Vàng đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách kỳ quan thế giới mới do Daily Mail (Anh) công bố kết quả khảo sát.
CẦU “NHẢY” STARI MOST
Stari Most là cây cầu được xây dựng từ thế kỷ 16, bắc qua sông Neretva, nối 2 phần của thành phố Mostar, Bosnia và Herzegovina.
Cây cầu được xem là một hình ảnh tiêu biểu của kiến trúc hồi giáo Balkan. Nó được xây dựng bởi Mimar Hayruddin, một sinh viên và người học việc của kiến trúc sư nổi tiếng Mimar Sinan.
Cây cầu từng tồn tại được 427 năm cho đến khi bị phá hủy vào năm 1993. Sau này, cầu được xây dựng lại và khánh thành vào ngày 23/7/2004. Khu Cầu cổ đã được đưa vào danh sách di sản thế giới năm 2005.
Đã tồn tại một tập quán cổ xưa ở đây, theo đó một người Mostar đích thực phải biết nhảy “cắm đầu” xuống con sông Neretva. Thậm chí, một chàng trai Mostar chưa thể làm lễ thành hôn chừng nào chưa chứng tỏ được lòng can đảm bằng cách “nhảy cầu”.
“Cầu mưa gió” là một trong những kiểu kiến trúc cầu độc đáo và nổi tiếng của người Dong ở Trung Quốc.
Cầu có bệ ở 2 đầu, 3 trụ cầu, 3 nhịp, 5 đình, 19 hiên và 3 tầng. Các trụ cầu được làm bằng đá trong khi các kiến trúc trên cầu chủ yếu làm từ gỗ với phần trên cùng là mái ngói. Chiều dài tổng cộng của cây cầu là 64,4m với phần lối đi rộng 3,4m, cầu cao hơn mặt sông khoảng 10m.
Cầu Gió Mưa hay Phong Vũ Kiều giống như một lối đi dài có lan can, mái che và 5 gian nhà hình đa giác truyền thống của Trung Quốc với những hình chạm khắc và tranh vẽ trang nhã trên trụ cột. Lan can và ghế dài được bố trí hợp lý ở cả 2 đầu cầu, cung cấp chỗ nghỉ ngơi cho những người lữ hành qua lại.
Những chiếc mái vểnh, các tòa tháp và vọng gác đều được trang trí bởi hình khắc rồng phượng tinh tế trên các cột đá trong khi những biểu tượng của sự sung túc và may mắn như hồ lô báu và sếu vạn thọ lại được chọn để tô điểm cho phần phía trên.
Điều ngạc nhiên và khó có thể tin được là những người xây dựng cây cầu này không sử dụng bất kỳ chiếc đinh nào. Dù đã trải qua hàng chục năm nhưng nó vẫn rất chắc chắn. Nói một cách dễ hiểu, nó thật hùng vĩ và trông giống như một cầu vồng rực rỡ bắc qua sông.
Vào những ngày mưa gió, các mái chòi trên cầu trở thành nơi lý tưởng cho người dân gặp gỡ chuyện trò, nghỉ ngơi thư giãn, tán gẫu, trao đổi ý kiến và là nơi biểu diễn các trò văn nghệ giải trí.
CẦU “QUỶ”
Rakotzbrücke (còn được gọi là cầu Quỷ) là cây cầu vòm bằng đá bazan, mang dấu ấn của phong cách La Mã cổ đại nằm tại công viên Kromlauer ở Kromlau, thuộc Gablenz, Görlitz, Đức.
Cầu được xây dựng từ những năm 1860. Do cầu được xây theo kiểu kiến trúc vòm nên hình ảnh phản chiếu của nó trên mặt nước hồ tạo nên một vòng tròn gần như hoàn hảo, dù nhìn ở bất cứ góc độ nào.
Sở dĩ cầu được gọi là cầu Quỷ là vì khi cầu đang được xây dựng, nhiều kiến tạo địa chất kỳ lạ hình thành trên mặt hồ và trong công viên.
CẦU DÂY VĂNG CHO NGƯỜI ĐI BỘ
Langkawi Sky là một cầu dây văng dành cho người đi bộ dài 125m ở Malaysia.
Cầu rộng 1,8m (phần ở giữa có Lối đi rộng hơn), nằm ở độ cao 660m so với mực nước biển trên đỉnh Gunung Mat Chinchang ở Pulau Langkawi, một hòn đảo thuộc quần đảo Langkawi, bang Kedah.
Cầu hoàn thành năm 2005 và bị đóng cửa để bảo dưỡng, nâng cấp vào tháng 7/2012. Việc mở cửa trở lại đã bị hoãn nhiều lần, mãi đến tháng 2/2015 cây cầu mới chính thức được mở cửa trở lại.
Vật liệu xây cầu được vận chuyển bằng trực thăng lên đỉnh núi và phải mất nhiều năm để lắp ráp hoàn chỉnh hệ thống cầu. Cầu Langkawi Sky được bình chọn là một trong những chiếc cầu treo kỳ dị nhất thế giới.
Vì ở rất xa so với mực nước biển nên vào những ngày trời trong, các nhà thám hiểm có thể nhìn thấy một quốc gia khác, đặc biệt là đảo Ko Tarutao của Thái Lan.
CẦU CÂY GAI DẦU
Capilano là cây cầu treo dành cho người đi bộ, bắt qua sông Capilano tại Bắc Vancouver, Canada. Cầu thu hút khoảng 800.000 lượt khách du lịch mỗi năm. Câu cầu có chiều dài 140m và cao 70m trên sông, xung quanh là công viên.
Cầu được George Grant Mackay khởi công xây dựng vào năm 1889 bằng sợi dây gai dầu và ván tuyết tùng, sau này được thay thế bằng cầu treo vào năm 1903. Năm 1910, Edward Mahon mua lại cầu Capilano. "Mac" MacEachran mua lại từ Mahon năm 1935 và bán lại cho Henri Aubeneau vào năm 1945.
Cây cầu được xây dựng lại hoàn toàn vào năm 1956 và sẽ đưa chúng ta băng qua những khu rừng nhiệt đới đẹp như tranh vẽ.
CẦU “DNA”
Cầu Helix (trước đây được gọi là cầu đôi Helix) là cầu đi bộ nối trung tâm Marina với nam Marina trong khu vực Vịnh Marina, Singapore.
Cầu chính thức khai trương vào ngày 24/4/2010, tuy nhiên chỉ khai trương một nửa do đang xây dựng ở Marina Bay Sands. Nằm cạnh cầu Benjamin Sheares và cầu Bayfront.
Cây cầu này không hẳn là một thiết kế dễ dàng. Một cây cầu đi bộ được thiết kế giống với một sợi... DNA. Với chiều dài 280m, được làm bằng thép không gỉ đặc biệt và bóng đèn LED để chiếu sáng cây cầu vào ban đêm, cây cầu là một thiết kế kỹ thuật đẳng cấp thế giới.
CẦU “NHÀ NGUYỆN”
Kapellbrücke (có nghĩa Cầu Nhà nguyện) là một cây cầu đi bộ bằng gỗ bắc chéo qua sông Reuss tại thành phố Lucerne, miền trung Thụy Sĩ.
Tên cầu được đặt theo tên nhà nguyện của Thánh Phêrô. Kapellbrücke là cầu gỗ có mái che cổ nhất châu Âu còn tồn tại cũng như là cây cầu có bộ khung giàn lâu đời nhất trên thế giới.
Cầu được xem như là biểu tượng của thành phố và là một trong những điểm tham quan du lịch chính của Thụy Sĩ. Đây là cây cầu độc nhất vô nhị vì bên trong cầu chứa những bức tranh được gắn lên từ thế kỷ 17, miêu tả sự kiện từ lịch sử của Lucerne và những truyền thuyết về 2 vị thánh bảo trợ của thành phố là St. Leodegar và St. Mauritius.
Cây cầu nguyên thủy được xây dựng từ năm 1333 nhưng một vụ cháy xảy ra vào năm 1993 đã làm nhiều phần của cầu và phần lớn các bức tranh bị phá hủy. Năm 1994, cây cầu được phục hồi với chi phí khoảng 2,1 triệu USD, các bức tranh cổ được tu bồi và một số tranh đã được thay thế hoặc sao chép vì không thể phục hồi được.
Theo Nam Anh/Tạp Chí Thương Gia