Xúc động chân dung 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc phục dựng bằng AI

Google News

Với công nghệ AI, chân dung của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã được tái hiện sống động, có hồn, tựa hình ảnh trong những thước phim tư liệu lịch sử khiến người xem xúc động.

Sau 11 năm phát triển, website lietsi.com – dự án số hóa thông tin về liệt sĩ lớn nhất nhì Việt Nam của Lê Công Thành đã bước sang một giai đoạn mới, đó là phục dựng hình ảnh của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Tái hiện chân dung liệt sĩ sống động, chân thực
Cách đây 55 năm, Ngã ba Đồng Lộc được gọi là “Tọa độ lửa”. Từ tháng 4 đến tháng 10-1968, nơi đây phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom, mặt đất bị biến dạng, cày xới.
Xuc dong chan dung 10 co gai Nga ba Dong Loc phuc dung bang AI
Lực lượng dân công hỏa tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).Ảnh: TTXVN.
Chiều ngày 24/7/1968, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm chữ A, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đang trú ẩn. Hầm sập khiến tất cả 10 cô gái hy sinh trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, người trẻ nhất mới 17 tuổi.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các nữ thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc đã lay động biết bao trái tim của người dân Việt Nam, về một thế hệ sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ từng tấc đất của non sông, Tổ quốc.
Xuc dong chan dung 10 co gai Nga ba Dong Loc phuc dung bang AI-Hinh-2
 Từ tấm ảnh nhòe mờ, AI đã xử lý và phục dựng lại ảnh chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà. Ảnh: Thái Anh.
Tuy nhiên, ảnh chụp về họ thật hiếm hoi, chỉ còn lại một bức ảnh nhòe mờ. Để tri ân, tưởng nhớ 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, cũng là lòng biết ơn dành cho biết bao liệt sỹ đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc hôm nay, Nguyễn Công Cường, Nguyễn Văn Khánh và Lê Công Thành – 3 chàng trai trẻ của Hà Nội đã tiến hành việc phục dựng chân dung của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc bằng AI.
Xuc dong chan dung 10 co gai Nga ba Dong Loc phuc dung bang AI-Hinh-3
 Chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà đã được AI tái hiện sống động, có hồn như trong cảnh ngoài đời thực. Ảnh: Thái Anh.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, anh Lê Công Thành, người sáng lập website Lietsi.com (trang tìm kiếm thông tin liệt sĩ) chia sẻ, ý tưởng phục dựng chân dung của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc xuất phát từ một bài báo về một nhóm bạn trẻ đã phục dựng ảnh màu truyền thần cho 10 liệt sĩ này. Xúc động trước việc làm ý nghĩa, nhóm đã muốn tiếp nối, hưởng ứng với việc sử dụng công nghệ AI.
“Đây là một phần demo trong dự án nhằm phục dựng “di sản số” của tất cả các liệt sĩ trên toàn quốc. Thông qua sự đóng góp công sức của các tình nguyện viên biết sử dụng công nghệ AI hiện đại, dự án muốn hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sĩ. Với việc kết hợp ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện đại, có thể đưa thần thái của các liệt sĩ vào các hoạt cảnh sống động và chân thực, có tính nghệ thuật cao”, anh Lê Công Thành chia sẻ.
Mỗi chân dung là một cuộc đời, một câu chuyện
Anh Lê Công Thành chia sẻ, quá trình phục dựng chân dung 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc không quá khó nhờ đã có hình ảnh có sẵn của các liệt sĩ Đồng Lộc trên báo.
Xuc dong chan dung 10 co gai Nga ba Dong Loc phuc dung bang AI-Hinh-4
Công đoạn khó nhất là làm thế nào tìm được trang phục phù hợp và các hoạt cảnh sống động cho các liệt sĩ. Trong ảnh là chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà trong bối cảnh đi lấp hố bom tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Thái Anh.
Công đoạn khó nhất là làm thế nào tìm được trang phục phù hợp và các hoạt cảnh sống động để tạo sinh hình ảnh của các liệt sĩ trong các hoạt động sống. Các bức ảnh này không có thật nhưng mang thần thái khuôn mặt của các liệt sĩ. Việc ứng dụng AI hiện đại như Midjourney, Stable Diffusion giúp ích rất nhiều cho các công đoạn kĩ thuật này.
Dự án bắt đầu với chân dung của liệt sĩ Võ Thị Hà, người em út của Tiểu đội 4, hy sinh khi mới tròn 17 tuổi. Khi chân dung hiện lên, cả nhóm lặng người. Hình ảnh cô gái Đồng Lộc hồn nhiên, tươi trẻ đang đi lấp hố bom cùng đồng đội, hay đọc thư bên rừng cây… đã được tái hiện chân thực, có hồn, như trong một cuốn phim tài liệu lịch sử tua chậm lại.
Là người trực tiếp “phục dựng” nhiều tác phẩm số liên quan đến liệt sĩ, anh Nguyễn Công Cường chia sẻ, mỗi một chân dung là một cuộc đời, một câu chuyện để lại trong anh những xúc cảm khó quên.
Trong đó, có kỷ niệm đáng nhớ khi anh phục dựng chân dung người bác ruột của mình hy sinh tại chiến trường Tây Nam. Trong tác phẩm bằng trí tuệ nhân tạo của mình, anh đã để bác ngồi cạnh, khoác vai bố. Hai anh em cười tươi và nhìn thẳng về phía trước. Khi nhận món quà đặc biệt từ con trai, bố anh đã rất xúc động.
“Tôi nghĩ, việc làm sống lại dù chỉ một phần nào hình ảnh các liệt sĩ là công việc không chỉ thuộc về riêng ai”, anh Nguyễn Công Cường chia sẻ.
Xuc dong chan dung 10 co gai Nga ba Dong Loc phuc dung bang AI-Hinh-5
Anh Nguyễn Công Cường vẽ một bức tranh mới bằng AI về bác mình và bố anh.
Là thành viên sáng lập của dự án AIComic – dự án với mục tiêu vận động cộng đồng cùng xây dựng ra kho di sản số về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật Việt Nam dựa trên các công nghệ AI, anh Cường muốn phổ biến các kĩ thuật này tới nhiều tình nguyện viên trên khắp cả nước để nhiều người học được các kĩ năng mới, có thể ứng dụng vào công việc hằng ngày cũng như giúp ích cho các gia đình thân nhân liệt sĩ.
“Tôi kỳ vọng vào một tương lại không xa, khi cả cộng đồng có thể chung tay góp sức vào di sản số đặc biệt này”, anh Cường nói.
Mong nhiều người học AI hơn nữa
Anh Lê Công Thành (sinh năm 1983) vốn là cựu sinh viên Khoa Tin học, Trường Đại học Thủy lợi.
Từ nỗi day dứt về nhiều gia đình mòn mỏi tìm hài cốt con, bao hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được về với người thân, quê cha đất tổ, năm 2012, anh Lê Công Thành đã khởi động dự án phi lợi nhuận "Lietsi.com - Các anh không vô danh" nhằm số hóa dữ liệu mộ liệt sĩ.
Xuc dong chan dung 10 co gai Nga ba Dong Loc phuc dung bang AI-Hinh-6
 Anh Lê Công Thành chia sẻ, trong tương lai, dự án lietsi.com không chỉ dừng ở việc phục dựng hình ảnh mà sẽ làm cả giọng nói, văn bản (sáng tác truyện, thơ, hồi kí…).
Sau 11 năm, dự án đã số hóa được 95% số bia mộ liệt sĩ trên toàn quốc, giúp nhiều gia đình tìm được người thân của mình. Từ tháng 7/2023, dự án lietsi.com hợp tác với AIcomic để hướng dẫn tình nguyện viên viết văn, viết hồi ký (với ChatGPT, Bard...), vẽ tranh, vẽ truyền thần (với Midjourney, Stable Diffusion...) và giúp các gia đình thân nhân phục dựng, bảo tồn "Di sản số" của các liệt sĩ.
Bắt đầu chỉ là dòng tên, tiểu sử, vị trí chôn cất… nhưng nhờ sự đột phá về công nghệ, di sản về ký ức đã được phục dựng, đó có thể là các tấm hình hay câu chuyện… để những liệt sĩ không còn “vô danh” nữa.
Khi được hỏi về những trăn trở, anh Lê Công Thành chia sẻ, là một người theo đuổi việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phục vụ xã hội, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ AI trong thời gian gần đây, anh muốn làm thế nào để vận động nhiều người Việt Nam tiếp xúc các loại AI hiện đại và thành thạo các kĩ năng điều khiển các dạng phần mềm này.
Đây là dạng kĩ năng mới và người lao động ở các quốc gia phát triển cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó người lao động ở Việt Nam có rất nhiều lợi thế nếu sớm học được.
“Trong tương lai, tôi vẫn tiếp tục phát triển hệ thống phần mềm Hồ dữ liệu giúp người Việt Nam làm lợi từ các dạng tài nguyên mới trên không gian số và tìm cách vận động, hướng dẫn được nhiều người học AI hơn nữa”, anh Lê Công Thành chia sẻ.
Anh Lê Công Thành cho biết, Dự án phục dựng “di sản số” của các liệt sĩ, hợp tác giữa lietsi.com và AIComic ngoài việc giúp ích cho các gia đình thân nhân liệt sĩ còn là một nỗ lực vận động các bạn trẻ trong xã hội học các kĩ năng mới về điều khiển AI và khai thác dữ liệu.
Trong tương lai, dự án lietsi.com không chỉ dừng ở việc phục dựng hình ảnh mà sẽ làm cả giọng nói, văn bản (sáng tác truyện, thơ, hồi kí…).

Mời quý độc giả xem video: "Nửa thế kỷ nhìn lại 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc". Nguồn: VTC1.

 
Mai Loan