Nhắc đến Càn Long mọi người thường biết đến ông là vị hoàng đế tài giỏi, đã tiếp nối được sự nghiệp trị vì hưng thịnh nhà Thanh của Khang Hi và Ung Chính. Không những vậy, Càn Long còn nổi tiếng là vị hoàng đế có cuộc sống xa hoa, phong lưu đa tình với số lượng phi tần rất lớn ở hậu cung.
Những câu chuyện xung quanh vị hoàng đế này cũng rất được quan tâm. Trong đó phải kể đến câu chuyện cắt tóc của Càn Long. Ông ra lệnh xử tử người thợ cắt tóc. Nhưng chỉ với câu nói của học trò người thợ cắt tóc đã khiến ông phải hối hận. Sự thật là gì?
Quy định khi cắt tóc cho hoàng đế nhà Thanh
Thời nhà Thanh, việc cắt tóc cho hoàng đế phải thực hiện rất nhiều những quy tắc, quy định. Cụ thể, thời gian cắt tóc của các hoàng đế nhà Thanh là vào lúc mặt trời mọc ở phía Đông Nam. Triều đình nhà Thanh còn có những quy định rất khắt khe đối với người cắt tóc cho hoàng đế. Trước khi những người thợ cắt tóc thực hiện công việc cắt tóc, họ phải vào cung để kiểm tra, cởi hết quần áo cá nhân và đổi thành trang phục trong hoàng cung.
Sau đó, thợ cắt tóc sẽ được các thái giám dẫn đến gặp mặt hoàng đế. Khi thấy hoàng đế, thợ cắt tóc phải khấu đầu rồi xin dao cắt. Dao mà hoàng đế chuyên dùng là loại dao được đựng trong hộp gỗ đàn hương, bên ngoài là họa tiết rồng mây màu vàng và luôn được các thị vệ của hoàng đế cầm trên tay. Trong quá trình người thợ cắt tóc cho hoàng đế, các thị vệ bên cạnh sẽ luôn quan sát tay cầm dao của họ.
Trong cung cũng quy định rằng, thợ cắt tóc chỉ được chạm vào da đầu của hoàng đế bằng con dao trên tay trái và tuyệt đối không được phép dùng tay phải chạm vào bất kì vị trí nào trên đầu hoàng đế. Nếu lúc cắt tóc không cẩn thận mà làm hoàng đế bị thương thì sẽ bị đem về Thận Hình ti để tra khảo.
Dù cắt tóc đầu hay cạo mặt thì chỉ được cạo theo hướng xuôi, không được phép cạo ngược. Người cắt tóc cho hoàng đế phải thở nhẹ, tuyệt đối không được phép thở hơi ô uế vào đầu hoàng đế.
Vì sao Càn Long ra lệnh xử lý người thợ cắt tóc?
Có một câu chuyện kể rằng, vào tháng giêng năm nọ, hoàng đế Càn Long đi về Giang Nam du ngoạn và ở Thiên Tân Vệ, đường Bắc Mã, Lũng Đình (thành phố Khai Phong, Hà Nam). Ngày thứ hai, sau khi thức dậy, hỏi thái giám, Càn Long biết được hôm nay là ngày mồng 2 tháng 2, ông nói: "Hôm nay là ngày rồng ngẩng đầu vì vậy muốn cắt tóc, chỉnh lại bề ngoài một chút để có thể gặp may mắn, lên đường an toàn".
Vì vậy, thái giám đã vội vàng mời một thợ cắt tóc có tay nghề giỏi nhất ở địa phương đến. Sau đó, dạy người thợ nghi thức khi đến gặp hoàng đế và phổ biến những quy tắc khi cạo râu. Người thợ cắt tóc này khi biết được rằng mình sẽ cắt tóc cho hoàng đế và nghe cả những quy tắc khắt khe kia đã rất sợ hãi.
Nhưng ông ta không thể không cắt vì như vậy sẽ phạm tội chống lại lệnh hoàng đế mà bị chém đầu. Trong lúc cắt tóc cho hoàng đế, vì quá hoảng sợ mà tay run, kết quả là đã cứa dao làm Càn Long bị thương ở gáy. Ngay lập tức người này đã bị lôi ra chém đầu.
Càn Long tức giận mắng thái giám rồi ra lệnh tìm người thợ có tay nghề khác đến cắt tóc. Người thợ cắt tóc thứ hai đến cũng vì sợ hãi mà lại làm hoàng đế bị thương. Càn Long càng tức giận, các thị vệ liền lôi người cắt tóc thứ hai ra chém đầu.
Thái giám hoảng sợ tức tốc chạy vào tiệm cắt tóc và tìm người cắt cho hoàng đế thì mọi người đều sợ hãi mà bỏ chạy hết, chỉ còn lại một cậu học trò đang học việc khoảng mười lăm, mười sáu tuổi. Thái giám đành đưa cậu ta đến cắt cho hoàng đế. Nhờ có đôi tay khéo léo, kỹ năng cắt tốt và thái độ bình tĩnh mà rất nhanh cậu đã cắt tóc, cạo mặt và chải tóc, thắt bím tóc cho hoàng đế.
Càn Long rất hài lòng, vừa ngắm tóc trong gương vừa khen cậu học trò cắt tóc đúng là thần đồng cắt tóc. Lúc này, cậu học trò mới dám nói: "Bẩm hoàng thượng, thực ra hai thợ cắt tóc kia có tay nghề giỏi hơn tôi nhiều. Nhưng vì bọn họ sợ cắt hỏng tóc của người, tay quá run nên mới làm đầu người bị thương".
Sau khi nghe những lời đó, Càn Long mới hối hận vì đã giết nhầm họ. Sau đó, ông ra lệnh cho quan địa phương lo hậu sự cho hai người thợ cắt tóc. Vì lý do này, Càn Long cũng phong cho người học trò thành quan Ngũ phẩm theo hầu hạ.
Theo Dân Việt