Đại dịch Covid 19 đã khiến hàng loạt lĩnh vực trong nền kinh tế toàn cầu phải dừng hoạt động.
Trong chuỗi cung ứng toàn cầu “đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết” nhiều doanh nghiệp lớn đã không thể tìm được nguồn nguyên liệu thay thế trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng liền. Điều đó khiến hoạt động sản xuất kinh doanh phải dừng lại, gây ra những thiệt hại kinh tế trầm trọng; chưa kể đến ảnh hưởng của các khủng hoảng kinh tế, chính trị khác…
|
Cuốn sách “Vượt trên sự vĩ đại” giới thiệu 9 chiến lược cốt lõi để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong một thế giới nhiều biến đổi và thách thức. |
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó vẫn có những doanh nghiệp tạo ra được những giá trị vượt trội không chỉ cho cổ đông mà cho tất cả các bên liên quan.
Trong cuốn sách “Vượt trên sự vĩ đại” (Tân Việt Books và NXB Đại học Sư phạm ấn hành), ba chuyên gia hàng đầu của Tập đoàn tư vấn uy tín Boston Consulting Group sẽ giới thiệu 9 chiến lược cốt lõi để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong một thế giới nhiều biến đổi và thách thức chưa từng có như hiện nay.
Câu chuyện của TCS
TCS được thành lập vào năm 1968, trực thuộc Tập đoàn Tata và nhanh chóng trở thành một công ti toàn cầu. TCS đã phát triển mạnh mẽ trong suốt những năm cuối thế kỉ XX bằng cách cạnh tranh dựa trên quy mô, lợi thế chi phí, tự động hóa, tập trung vào phát triển tài sản trí tuệ và mô hình nhà máy tinh gọn mà công ti tiên phong. Đến năm 2001, TCS đã trở thành một công ti vĩ đại theo định nghĩ truyền thống, biên lợi nhuận đạt gần 30% trên 690 triệu đô la doanh thu.
TCS lẽ ra phải chịu tác động nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại ở Ấn Độ và lợi thế quy mô của công ti có thể bị suy yếu do mô hình cung cấp dịch vụ phần mềm được công nghiệp hóa.
Song trên thực tế, TCS vẫn duy trì được sự phát triển, nguyên nhân không phải là do họ đã thực hiện gấp đôi các chiến lược từng giúp họ trở nên vĩ đại, mà là nhờ tìm kiếm được những chiến lược mới.
Trong hai thập kỷ qua, công ti đã liên tục chuyển mình để bắt kịp với những thay đổi mạnh mẽ của môi trường xung quanh và trở nên linh hoạt, bền vững hơn. Thành quả của nỗ lực này được thể hiện đặc biệt rõ ràng trong năm 2020, khi TCS có thể tiếp tục hoạt động với mức gián đoạn tối thiểu trong đại dịch COVID-19.
TCS đã xác định lại mối quan hệ của mình với khách hàng, cung cấp một danh mục dịch vụ đa dạng kết hợp với các công nghệ tiên tiến nhất bất kể khách hàng ở đâu trên thế giới.
Công ty đã thay đổi mạng lưới phân phối quy mô lớn, tiết kiệm chi phí ở nước ngoài (mà công ty từng tiên phong) bằng một mô hình phân phối toàn cầu mới, linh hoạt hơn bao gồm các cơ sở vật chất có chi phí trung bình và cao được đặt gần khách hàng ở các thị trường phát triển hơn. Và tất cả đều được kết nối qua hệ thống điện toán đám mây.
Mạng lưới phân phối mới này không chỉ cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn liên quan đến chi phí hơn, mà còn giúp giảm thiểu rủi ro – bởi nếu có vấn đề phát sinh ở một khu vực, toàn bộ mạng lưới vẫn sẽ hoạt động bình thường.
TCS cũng đã “dịch vụ hoá” các sản phẩm của mình; thay vì cung cấp một loại dịch vụ duy nhất. Theo đó, công ty cung cấp các giải pháp tùy chỉnh bao gồm một loạt các công nghệ và hướng tới những kết quả kinh doanh cụ thể. Ngay từ ban đầu, TCS luôn quyết tâm theo đuổi mục tiêu hướng tới nhiều bên liên quan bằng cách sử dụng những kỹ thuật công nghệ đẳng cấp để tạo ra sự thay đổi cho các cộng đồng địa phương trên toàn thế giới.
Những nỗ lực chuyển đổi liên tục và đa dạng của TCS cùng với quyết tâm đóng góp tích cực cho xã hội, đã giúp công ty mang lại và duy trì giá trị vượt trội cho các cổ đông.
Trong giai đoạn 2009 – 2020, giá trị vốn hoá thị trường của công ty đã tăng gấp hơn 10 lần, đạt mức cao nhất là hơn 120 tỉ đô la. Đến năm 2020, TCS có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất so với bất kì công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu nào, cùng hạng với IBM và Accenture mặc dù doanh thu thấp hơn nhiều.
John Deere
Nông nghiệp là một trong những ngành sản xuất lâu đời nhất của nhân loại. Đó cũng là một trong những ngành phức tạp nhất khi sự thành công hay thất bại của người nông dân phụ thuộc vào sự thay đổi của điều kiện thời tiết, đất đai cũng như nhiều yếu tố khác như phân bón, nước tưới, thuốc trừ sâu, kỹ thuật gieo trồng…
May mắn là dữ liệu có thể giúp đưa ra nhiều quyết định đúng đắn, giúp người nông dân có thể tối ưu hóa lợi nhuận trên một mẫu đất được canh tác. Theo một số ước tính, thị trường cho phân tích dữ liệu trong ngành nông nghiệp sẽ đạt 1,2 tỷ đô là vào năm 2023.
Các nhà cung cấp trong và ngoài lĩnh vực nông nghiệp đã thiết kế các giải pháp sử dụng dữ liệu để giúp người nông dân đưa ra quyết định tốt hơn và tối ưu hóa lợi nhuận. Thông qua những ứng dụng đơn giản trên điện thoại, người nông dân có thể theo dõi các kiểu thời tiết, điều kiện đất đai… từ đó quyết định hành động để giảm rủi ro cho cây trồng và nâng cao năng suất.
Nếu hoạt động trong lĩnh vực này, đơn vị muốn đi đầu không thể đánh bại đối thủ chỉ bằng cách đơn giản là cung cấp các sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Họ cần phải trở thành nguồn liên tục cung cấp những giải pháp mới hữu ích cho người nông dân. John Deere, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp lớn nhất thế giới, là một trong những công ty đầu tiên trong ngành đã nắm bắt được yêu cầu này.
Năm 2012, công ty đã triển khai nền tảng kỹ thuật số MyJohnDeere, sau đó nâng cấp thành John Deere Operations Center. Từ đây, người nông dân quan sát tất cả các hoạt động diễn ra trên từng mẫu đất của trang trại, quản lý, nâng cao các chỉ số hoạt động thông qua điện thoại thông minh và các thiết bị kỹ thuật số khác. Và vì thế, lợi nhuận của trang trại được tối đa hóa.
Để mang lại ngày càng nhiều giá trị cho người nông dân, John Deere còn thiết lập sự hiện diện ở Thung lũng Silicon, xây dựng phòng thí nghiệm, mua công ty khởi nghiệp Blue River Technology, để tiếp cận nhân tài kỹ thuật số và luôn câp nhật những cải tiến mới nhất. Công ty cũng xây dựng nền tảng cho phép nông dân trên toàn cầu lưu trữ, trao đổi dữ liệu, tư vấn xây dựng kế hoạch một cách chính xác, hiệu quả nhất…
Và cuốn sách “Vượt trên sự vĩ đại”
Thông qua câu chuyện có thực của các doanh nghiệp như TCS, John Deere và hàng chục các doanh nghiệp khác như Rolls-Royce, Siemens, Microsoft, Xiaomi, Fitbit, Adidas… “Vượt trên sự vĩ đại” đưa ra cái nhìn sắc bén về những thách thức chưa từng có đang làm thay đổi quá trình toàn cầu hóa.
Điều đó bao gồm chủ nghĩa dân tộc kinh tế; sự bùng nổ của các dòng dữ liệu và thương mại điện tử; sự trỗi dậy của Trung Quốc; những mối lo ngại ngày càng gia tăng về chủ nghĩa tư bản và môi trường; và sự hình thành các cộng đồng khách hàng kết nối điện tử không biên giới.
Từ đó, các tác giả đưa ra 9 chiến lược giúp các doanh nghiệp ngày nay giải quyết và khai thác những yếu tố thách thức này.
“Vượt trên sự vĩ đại” trả lời hai câu hỏi cơ bản mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay phải đối mặt trong một thế giới được định hình bởi sự thay đổi công nghệ, kinh tế và xã hội đầy khó khăn và đột phá. Đầu tiên, hiệu suất nổi bật trong thời đại đầy biến động mới này là gì? Thứ hai, làm thế nào để chúng ta xây dựng lợi thế cạnh tranh trong một thế giới với những quy tắc mới và thường xuyên bất ổn?
Cuốn sách “Vượt trên sự vĩ đại” cũng cho thấy các nhà lãnh đạo ngày nay cần phải thể hiện một sự linh hoạt và nhanh nhạy kiểu mới, liên tục bổ sung những chiến lược và quy tắc hoạt động mới để tạo điều kiện cho sự đổi mới “diễn ra liên tục”. Các nhà lãnh đạo cũng cần nắm vững một loạt nguyên tắc mới về những yếu tố cần thiết để “vươn mình khắp toàn cầu”, trở thành những người “khả biến” trong một thế giới đầy mâu thuẫn, phức tạp và đa sắc thái.
Nhận xét về cuốn sách, Robert Greifeld, cựu Chủ tịch kiêm CEO của NASDAQ viết: “Bất kể bạn đang điều hành một công ty công nghiệp, ngân hàng, công ty truyền thông hay một chỉ số chứng khoán toàn cầu; “Vượt trên sự vĩ đại” vẫn là cuốn cẩm nang cần thiết giúp bạn nắm vững chiến lược tổ chức và phát triển mạnh mẽ, ngay cả trong thời điểm khó khăn.”
Mai Loan