Lịch sử Babylon
Babylon vốn là một thành quốc của Lưỡng Hà cổ đại. Các di tích của thành quốc này được phát hiện ngày nay nằm ở Hillah, Babil, khoảng 85 km về phía Nam thủ đô Baghdad, Iraq.
Vào thời cổ đại, Babylon đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực chính trị, trong các thời đại khác nhau, nó được truyền từ kẻ chinh phục này sang kẻ chinh phục khác - đôi khi suy tàn, đôi khi lại hồi sinh. Tuy nhiên, Babylon vẫn tồn tại trong lịch sử như một địa điểm bán huyền thoại, được mệnh danh là đô thị đầu tiên của thế giới cổ đại. Vị trí gần sông Euphrates và khí hậu thuận lợi đã biến thành phố này trở thành thủ đô của thành quốc có dân số vào thời kỳ đỉnh cao lên tới 200.000 người. Ở trung tâm Babylon có một công trình tôn giáo nhiều tầng, gọi là ziggurat, chiều cao tới 90 mét, ban đầu phục vụ như một ngôi chùa và sau đó trở thành trung tâm hành chính. Trong thời gian lưu trú tại Babylon vào thế kỷ XVI, du khách châu Âu đã nhầm tưởng tàn tích lớn của một ziggurat là Tháp Babel huyền thoại giải thích về sự bất đồng ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới.
Vua Nebuchadnezzar II của Babylon, theo truyền thuyết, là người đã xây dựng Vườn Treo.
Nebuchadnezzar II (khoảng 642-562 trước Công nguyên - TCN) được gọi là người cai trị thành công nhất của Babylon. Sau vài trăm năm suy tàn, dưới thời vị vua này nắm quyền, đất nước bắt đầu phát triển về mọi mặt. Thời đại trị vì của Nebuchadnezzar còn được gọi là "Thời kỳ Phục hưng của người Babylon", nhà vua tiến hành nhiều cuộc chiến tranh, chinh phục các vùng lãnh thổ mới, phát triển văn hóa và kinh tế của đất nước. Trong triều đại của ông, Vườn Treo nổi tiếng đã được xây dựng và trở thành một trong 7 kỳ quan của thế giới.
Vào năm 331 TCN, Alexander Đại đế cùng quân đội của mình tiếp cận Babylon, thành phố đầu hàng mà không giao tranh, và người chỉ huy được tuyên bố là vua của Babylon. Ông tuyên bố Babylon là thủ đô quyền lực châu Á của mình. Alexander Đại đế không phá hủy các ngôi đền ngoại giáo polis mà ngược lại, ra lệnh khôi phục chúng. Vị chỉ huy nổi tiếng qua đời ở Babylon trong một bữa tiệc. Sau khi ông qua đời, thành phố bị người Parthia chiếm đóng, họ thành lập hai thủ đô Seleucia và Xetiphon, còn Babylon dần rơi vào tình trạng suy tàn và trở thành hoang phế.
Chúng ta biết gì về Khu vườn Babylon bí ẩn?
Mặc dù dấu vết của Vườn Treo vẫn chưa được tìm thấy nhưng ta biết về sự tồn tại của chúng qua các tác phẩm của các nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus, Strabo, Diodorus Siculus. Vì vậy, không thể phủ nhận sự thật về sự tồn tại của chúng, ngày nay các nhà khoa học tiếp tục tranh cãi về việc những khu vườn bí ẩn này có thể nằm ở đâu, ai đã tạo ra chúng và tại sao chúng lại biến mất mà không hề để lại dấu vết?
Văn bản đề cập sớm nhất về Vườn Treo được tìm thấy ở vị linh mục cổ xưa Berossus, người đến từ Babylon, sau này chuyển đến đảo Kos của Hy Lạp và để lại những ghi chú bằng tiếng Hy Lạp. Ông mô tả, Vườn Treo được xây dựng bởi vua Nebuchadnezzar II để an ủi nàng vợ của ông là Amyitis, người rất nhớ quê hương Media nhiều đồi núi xanh tươi (nay là Iran). Với mục đích này, các công trình kiến trúc bằng đá nhiều tầng đặc biệt đã được tạo ra, chứa đầy đất được mang từ vùng núi Media. Nó cũng trồng nhiều loại cây, dây leo được mang từ quê hương của Amyitis, đó là những loại cây thường không được tìm thấy ở các vùng khô cằn của Babylon. Vườn Treo là những bậc thang bằng đá cao mô phỏng núi non, trồng nhiều loài cây lớn và thực vật lạ. Chăm sóc cây trồng trong vườn, một hệ thống tưới tiêu đặc biệt đã được tạo ra và các tầng bậc thang khác nhau được lót bằng những vật liệu như sậy, nhựa đường… để nước tưới không thấm qua ruộng bậc thang.
Theo mô tả của các nhà sử học cổ đại, không thể đi bộ từ đầu này đến đầu kia của Vườn treo mà không bị mệt do độ dốc của các sườn dốc và sự chênh lệch độ cao của từng tầng trồng cây.
Mặc dù chưa có dấu vết nào của Vườn Treo được phát hiện, nhưng nhà khảo cổ học Đức Robert Koldewey, người nổi tiếng với những cuộc khai quật sâu về Babylon cổ đại, đã phát hiện ra một loạt căn phòng và mái vòm khác thường ở đó. Một trong số chúng chứa phần còn lại của một cái giếng, có thể là một phần của công trình ngầm để tưới cho những vườn hoa đã tồn tại một thời. Theo ghi chép của ông, những công trình kiến trúc này được vua Babylon Nebuchadnezzar II xây dựng vào thế kỷ VI TCN và nằm gần cung điện của ông ở Babylon.
Tuy nhiên, trong các nguồn sau này có đề cập đến thực tế là Vườn Treo tồn tại vào thế kỷ IV TCN và được xây dựng ở Nineveh. Thậm chí có những hình ảnh của Vườn Treo còn xuất hiện trên tấm phù điêu của Cung điện Ashurbanipal phía Bắc, hiện nằm trong Bảo tàng Anh ở London. Mặc dù cái này không loại trừ cái kia, nhưng có lẽ những khu vườn này là tiền thân của những khu vườn ở Babylon.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng những khu vườn khác thường này, được coi là một trong những kỳ quan của thế giới, không thực sự lơ lửng trên mặt đất. Có thể trong quá khứ đã có sự dịch sai từ kremastos trong tiếng Hy Lạp hoặc từ pensilis trong tiếng Latin, cả hai đều được dùng để mô tả những khu vườn có thể ám chỉ “trên ban công” hoặc “sân thượng”. Điều này có thể được xác nhận bằng bằng chứng của nhà sử học Hy Lạp Strabo, người vào thế kỷ I TCN đã mô tả các khu vườn là cấu trúc của các sân thượng hình vòm, chồng lên nhau và được hỗ trợ bởi các cột hình khối. Các nguồn cổ xưa khác cũng lưu ý rằng những khu vườn được trồng trên các bậc thang bằng đá và nằm dưới những mái vòm khổng lồ làm bằng đá cháy.
Vườn treo Babylon.
Vườn Treo còn có tên khác, chúng còn được gọi là Vườn Treo Babylon, được đặt theo tên của nhà cai trị Assyrian huyền thoại, người chịu trách nhiệm tái thiết Babylon vào thế kỷ IX TCN.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các nhà sử học và chuyên gia về việc Vườn Treo bí ẩn nằm ở đâu, hoặc liệu chúng có tồn tại hay không. Có lẽ lý do cho điều này là sự nhầm lẫn lâu dài dựa trên những lời khai khác nhau của các nhà sử học cổ đại.
Tiến sĩ Stephanie Dalley của Đại học Oxford dành hơn hai thập niên nghiên cứu Vườn Treo, xâu chuỗi các manh mối từ các văn bản cổ và giải mã chữ hình nêm, đã kết luận rằng những khu vườn này hoàn toàn không phải do người Babylon xây dựng mà là do những người hàng xóm và người Assyria, kẻ thù không đội trời chung của họ xây dựng. Xác nhận bổ sung cho giả thuyết này có thể là một bức phù điêu cổ từ Nineveh, được lưu trữ trong Bảo tàng Anh, nơi mô tả cung điện khu phức hợp Sennacherib và một khu vườn với cây cối treo trên các sân thượng và mái vòm.
Có rất nhiều bằng chứng văn bản và khảo cổ học về các khu vườn ở Nineveh, và bản thân thành phố này đôi khi còn được gọi là "Babylon cũ". Dù thế nào đi nữa, ngay cả khi giả thuyết Nineveh được chấp nhận thì vẫn không loại trừ khả năng Vườn Treo ở Babylon xuất hiện muộn hơn.
Vì sao Vườn Treo Babylon biến mất?
Vì vị trí của Vườn Treo vẫn chưa được xác định chính xác nên không thể đoán chính xác khi nào và bằng cách nào chúng không còn tồn tại. Có rất nhiều giả thuyết về vấn đề này, nhưng không có giả thuyết nào trong số đó có thể được gọi là đáng tin cậy.
Người ta tin rằng các khu vườn bắt đầu sụp đổ dần dần sau sự sụp đổ của Đế chế Babylon và cuối cùng bị phá hủy sau cuộc chinh phục Babylon của người Ba Tư. Nhưng có một truyền thuyết kể rằng Alexander Đại đế đã rất yêu Vườn Treo vốn đã bị bỏ hoang nhưng không mất đi vẻ huy hoàng của nó. Chúng khiến ông nhớ đến ngôi nhà của mình, thích dành thời gian ở đó, và đã trút hơi thở cuối cùng vào chúng.
Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ II sau Công nguyên, do hậu quả của những cuộc chiến tranh bất tận, Babylon hoàn toàn rơi vào tình trạng suy tàn, bị phá hủy hoàn toàn cùng với các khu vườn, biến thành đống đổ nát.
Theo một truyền thuyết khác, Vườn Treo Babylon đã bị phá hủy bởi lũ lụt thường xuyên xảy ra ở Babylon do sông Euphrates tràn vào trong lũ lụt.
Ngoài ra còn có ghi chép kể cổ rằng vào thế kỷ I TCN, một trận động đất đã xảy ra ở Babylon, khiến những khu vườn tuyệt vời bị phá hủy.
Nhưng tất cả những điều đó hiện tại chỉ là giả định, có lẽ thời gian sẽ đến, công nghệ hiện đại sẽ cho phép chúng ta tìm hiểu thêm về Babylon, viên ngọc của thế giới cổ đại, và sẽ hé lộ bí mật 2.500 năm tuổi về Vườn Treo huyền thoại.
Theo Đăng Bẩy/Báo Công An Nhân Dân