Trong lịch sử quyền lực ở Trung Quốc, hầu hết trong số hơn 400 vị hoàng đế khó ai có thể sống quá 60 năm, thậm chí có nhiều người còn không sống qua 30 tuổi. Thế nhưng hoàng đế Khang Hy và Càn Long lại là ngoại lệ, họ đã sống tới hơn 80 tuổi, liệu có phải họ đã nắm được thuật trường thọ thời cổ đại?
Thực tế, cả 2 vị vua này có thể sống lâu tới như vậy là bởi họ không bao giờ động vào một thứ mà các hoàng đế khác đều muốn chạm tới, đó là thuốc trường sinh.
Vua Càn Long thọ 87 tuổi, trị vì 60 năm, vượt xa so với nhiều hoàng đế khác thời Trung Hoa cổ đại.
Vào thời cổ đại, con người có niềm đam mê sâu sắc với thuốc trường sinh và họ khao khát một cuộc sống bất tử. Mặc dù điều này là trái với quy luật tự nhiên nhưng người xưa vẫn tin rằng trên đời phải tồn tại một loại thuốc thần kỳ có thể kéo dài tuổi thọ đến mức khó tin.
Một số vị hoàng đế cũng tin điều đó và khao khát tìm kiếm hay sáng chế ra thuốc trường sinh vì họ muốn nắm giữ quyền lực vĩnh viễn. Tuy nhiên, họ không biết rằng đằng sau những thần dược này ẩn chứa những rủi ro vô cùng lớn.
Trái ngược với những vị vua đắm chìm trong việc luyện thuốc trường sinh, cả Khang Hy và Càn Long đều không xem trọng nó.
Càn Long không uống thuốc tiên có lẽ là rút kinh nghiệm từ vua Ung Chính trước đó. Còn về vua Khang Hy, nhiều người cho rằng vua học rộng biết nhiều thứ tiếng nên có thể hiểu được những kiến thức về hóa học, y học của cả phương Tây. Nhờ kiến thức rộng đó nên vua không mấy tin tưởng vào cái gọi là thuốc tiên.
Nhờ đó, Khang Hy đã sống tới 69 tuổi, trị vì 61 năm; vua Càn Long còn sống lâu hơn, ông thọ 87 tuổi, trị vì 60 năm.
Hơn nữa, các hoàng đế của triều đại nhà Thanh có truyền thống đi săn hàng năm. Vị vua nào cũng giỏi cưỡi ngựa, bắn cung. Cả Khang Hy và Càn Long cũng đều có khả năng đó.
Nhờ vào việc không dùng thuốc tiên bậy bạ lại chăm chỉ vận động, thể dục thể thao nên đây có thể là nguyên nhân khiến Khang Hy và Càn Long có thể ngồi vững trên ngai vàng lâu như vậy và sống trường thọ.
Hoàng đế Khang Hy và Càn Long đều không bao giờ dùng tới thuốc trường sinh, lại thường xuyên cưỡi ngựa, đi săn nên thể lực tốt. (Ảnh minh họa)
Sự thật thuốc trường sinh khiến hoàng đế đoản mệnh
Thực tế, những loại thuốc mà các vị vua trước đây tôn thờ do các nhà giả kim cổ đại chế ra. Mặc dù công thức của các loại thuốc này của mỗi người sẽ khác nhau nhưng thường có một điểm chung là chứa thực vật hữu cơ và các vật liệu vô cơ (kim loại và khoáng chất).
Một ví dụ về thành phần thực vật trong thuốc là nấm linh chi, từng được ca ngợi là "nấm bất tử". Một số văn bản cổ viết rằng sử dụng thường xuyên nấm Linh chi sẽ giúp trẻ mãi không già. Tất nhiên, khoa học hiện đại đã bác bỏ hoàn toàn công dụng này.
Đối với các chất vô cơ được sử dụng nhiều nhất bởi các nhà giả kim Trung Quốc cổ đại là thủy ngân. Khi Thủy ngân bị nóng chảy ở dạng lỏng, nó có sự thu hút đặc biệt với các nhà giả kim. Do đặc điểm độc đáo này của thủy ngân, kim loại này được cho là có ý nghĩa bất diệt - được xem là chìa khóa cho sự trường sinh.
Thủy ngân là thành phần thường có trong các loại thuốc trường sinh thời cổ đại. (Ảnh minh họa)
Nhưng khoa học hiện đại ngày nay hiểu rõ thủy ngân nguy hiểm như thế nào. Thủy ngân có thể tồn tại ở nhiều dạng và dù ở hình dạng nào, chúng đều độc hại. Hít phải hơi thủy ngân có thể gây hại cho hệ thần kinh, phổi và thận. Hơi thủy ngân có thể dễ dàng đi từ phổi vào máu. Còn nếu nuốt phải thủy ngân vô cơ, nó sẽ đi qua dòng máu của bạn và tấn công não và thận. Phơi nhiễm thủy ngân hữu cơ trong thời gian dài có thể gây chết người.
Những người đang mang thai và tiếp xúc với một lượng lớn methylmercury (một loại thủy ngân hữu cơ) có thể gây tổn thương não cho thai nhi đang phát triển.
Do đó, con người ngày nay đều hết sức thận trọng khi tiếp xúc với thủy ngân. Tuy nhiên người cổ đại có lẽ chưa đủ hiểu biết về độc tính của nó nên vẫn sử dụng và thậm chí còn xem là "thần dược". Đó là lý do khiến họ lạm dụng thủy ngân vào thuốc trường sinh và cuối cùng kết quả nhận được không phải cuộc sống bất tận mà là bước chân vào con đường tới cái chết.
Theo Phụ nữ số