Theo ghi chép của bộ chính sử Đại Nam thực lục chính biên, ngày nghỉ Tết Nguyên đán của triều Nguyễn được đánh dấu bằng sự kiện phong ấn (cất ấn). Đến đầu năm mới, sau khi làm lễ khai ấn, lễ duyệt binh các công việc mới được tiếp tục trở lại. Năm Gia Long 8 (1809) vua chuẩn định ngày 25 tháng chạp phong ấn, ngày mồng 7 tháng giêng khai ấn, sai quan xuất binh. Đến thời Tự Đức, năm 1874, vua lại cho nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 28 tháng chạp đến ngày 8 tháng giêng.
Trong các ngày Tết Nguyên đán, các vua triều Nguyễn tổ chức rất nhiều hoạt động nghi lễ trong hoàng cung (dưới thời trị vì của các vua khác nhau lại được tổ chức khác nhau) như lễ tế miếu, lễ khánh hạ, lễ ban yến hưởng và ban thưởng, lễ gia ân xá tội cho các tội phạm... Ngày mùng 3 Tết, các vua sai làm lễ hóa vàng cầu âm phúc…
|
Lễ khai ấn do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế tái hiện lại trong một dịp Tết Nguyên đán. Nguồn: hueworldheritage |
Đến ngày mùng 7, triều đình làm lễ khai hạ (hạ nêu) và khai ấn. Các viên quan giữ ấn tín làm lễ, rồi thực hiện nghi thức mở niêm phong, mở hòm ấn tượng trưng năm làm việc mới. Cũng trong ngày này, các vua triều Nguyễn tổ chức lễ duyệt binh. Sau nghi lễ này, mọi người đến công đường hay doanh trại, khởi đầu công việc của một năm mới.
Sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết, năm Gia Long năm thứ 2 (1803), ngày mùng 1, tháng giêng, vua thân đến Thái miếu làm lễ. Lễ xong, ngự ở điện, nhận lễ chầu mừng. Ngày Kỷ Tỵ mở ấn. Sai thủy quân thao diễn phép chèo thuyền. Phép diễn, đặt đồ bơi chèo ở trên cạn, chọn người chèo giỏi vài trăm người khiến diễn tập, y như dáng đi thuyền. Buổi quốc sơ trong việc dụng binh thủy chiến rất giỏi, cho nên đầu mùa xuân thường sai diễn tập). Vua ngự xem, thưởng tiền cho các quân, mỗi thuyền đều 80 quan.
Năm Gia Long năm thứ 7 (1808), vào dịp lễ tế chạp, Lễ bộ tâu rằng: Trước nay đầu năm khai ấn duyệt binh, cuối năm yết lăng, tế chạp và khóa ấn, đều để tới kỳ mới chọn ngày lành. Nay xin lấy ngày nhất định. Vua nghe lời tâu, chuẩn định mỗi năm cứ ngày mùng 7 tháng giêng thì khai ấn, sai quan xuất binh, ngày 13 tháng chạp yết lăng, 14 tế chạp, 25 khóa ấn. Lấy sang năm là năm Kỷ Tỵ [1809] bắt đầu.
|
Thủy binh dưới triều Nguyễn. Ảnh tư liệu.
|
Đến thời vua Minh Mệnh lễ duyệt binh đầu năm mới được duy trì đều đặn và được sách Đại Nam thực lục chính biên ghi chép tương đối cụ thể: Đầu năm mới, năm Minh Mệnh thứ nhất (1820): Sáng sớm ngày ấy biền binh các dinh thuộc quân Thị trung, Thị nội, Thần sách đều họp cả ở trước điện Càn Nguyên. Sai Thị thư viện 5 người và sáu bộ mỗi bộ 3 người, hiệp với bộ Binh xét điểm. Vua mặc nhung phục ngự ở điện Càn Nguyên xem duyệt. Lệ duyệt binh bắt đầu từ đấy.
Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), vua cho gọi hơn 3.300 biền binh ở các hạt Bắc Thành, Thanh, Nghệ và Thanh Bình về Kinh. Ngày Kỷ Mùi, khai ấn.
Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), mùa xuân, tháng giêng, ngày giáp Thân duyệt binh. Vua ngự điện Càn Nguyên để xem và dụ rằng: “Luyện sỹ trị binh là lệ thường của nhà nước, mà thể lòng trời để ra ân là để khích lệ lòng quân. Vậy thưởng tiền cho Cai tòng quân trở xuống theo thứ bậc. Từ nay lấy đó làm lệ”.
|
Kỵ binh dưới triều Nguyễn. Ảnh tư liệu.
|
Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), ngày Quý Dậu duyệt binh, vua đến Nam đài để xem, bảo bầy tôi rằng: “Nước nhà nay gặp lúc thanh bình, mà việc binh thường săn sóc, việc huấn luyện chưa lợi chút nào. Nay đầu xuân điểm duyệt dung dáng kỷ luận của quân đội được chỉnh tề như thế, ta thực lấy làm vui lòng, vậy thưởng cho từ suất thập đến binh lính mỗi người 1 quan tiền”.
Đến giữa thời vua Tự Đức trở về sau các nghi lễ khởi đầu công việc của một năm mới thường xuyên bị gián đoạn hoặc bị đình lại bởi nhiều lý do khác nhau (nguyên nhân chủ yếu là triều Nguyễn ngày một suy yếu trước sự xâm lấn của người Pháp).
Sách Đại Nam thực lục chính biên chép, năm Tự Đức năm thứ 16 (1863) mùa xuân, tháng giêng, tiết Nguyên đán, đình lệ khai ấn, hạp ấn và đầu xuân, thỉnh an tâu kèm làm một. Khi ấy công việc bề bộn, gặp việc thì làm, cho nên đình việc khai ấn, hạp ấn. Duy có cuối năm, chọn được ngày tốt thì lau ấn, chùi ấn vàng vẫn cứ theo lệ mà làm, để rõ số mục và tỏ ra thận trọng. Lại cho là bầy tôi thờ vua, cũng như con thờ cha, lòng trung ái không lúc nào khác, đợi gì phải đến tháng đầu xuân. Huống chi tập thỉnh an nói kèm vào cũng là việc thường, đình bỏ đi bớt phiền văn.
Đầu năm Tự Đức năm thứ 31 (1878), lại đình việc duyệt binh đầu mùa xuân (2 năm trước duyệt liền, năm nay lại hiện phái đi làm việc nhiều, cho nên đình duyệt). Năm Tự Đức năm thứ 32 (1879), tiếp tục đình việc duyệt binh (vì duyệt luôn, cho nên đình). Năm Tự Đức thứ 33 (1880), lại tiếp tục đình việc duyệt binh (vì cớ sai phái đi nhiều ngả, số còn để lại có ít).
Đến năm Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, lại đình các tế lễ lớn thuộc năm ấy (đợi sau 1 - 2 năm sẽ cử hành), cho hoàng thân công chia nhau đến các Tôn đàn, Thái miếu, đem việc ấy kính tâu.
Theo Zingnews