Từ xưa, Tết Nguyên đán đã trở thành ngày lễ lớn nhất trong năm. Đặc biệt, Tết Nguyên đán đối với vua chúa triều Nguyễn càng quan trọng hơn với những nghi lễ cúng bái tôn nghiêm, xa hoa, thể hiện quyền lực của bậc cửu ngũ chí tôn.
Tết trong cung vua chúa nhà Nguyễn bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp. Vào ngày này, lễ Phát thức (rửa ấn) được tổ chức. Các quan lại mặc áo xanh ra chầu ở điện Cần Chính. Khi nhà vua đến, mọi tủ chứa ấn đều được mở.
Ấn rửa bằng nước thơm trước khi đem niêm phong cẩn thận không dùng vào dịp Tết. Sang đến ngày 22 tháng Chạp, lễ Hạp hương – lễ mời các Tiên đế về ăn Tết diễn ra ở điện Thái Miếu.
Đến ngày 30 tháng Chạp, lễ Thượng tiên - lễ dựng cây nêu được tổ chức. Sau khi nhà vua ra điện Thái Hòa dựng nêu xong thì người dân mới bắt đầu dựng nêu tại gia đình. Vào ngày hôm đó, buổi thiết triều cuối cùng của năm cũng diễn ra.
|
Tranh vẽ đại lễ ngày mùng 1 Tết ở Thế Miếu - Đại nội Huế năm 1923. |
Trong dịp Tết, lễ mừng nhà vua là một phần quan trọng, không thể thiếu. Theo đó, vào sáng mùng 1 Tết, các thân công và văn võ bách quan đều mặc lễ phục. Trong khi thân công đứng hai hàng bên trong điện Thái Hòa thì quan văn võ đứng hai hàng trên tầng sân rồng thứ nhất theo phẩm sơn (tả văn, hữu võ). Các bô lão đứng ở tầng sân dưới và bên ngoài là binh lính, voi ngựa.
Cũng trong ngày mùng 1 Tết Âm lịch, các hoàng đệ, hoàng tử, công chúa sẽ đến mừng vua 5 lạy. Nhà vua truyền chỉ ban tiền thưởng xuân và yến tiệc cho mọi người.
Nghi lễ mừng Hoàng Thái hậu (mẹ của vua) cũng được tổ chức long trọng và trang nghiêm bởi các vua nhà Nguyễn đề cao chữ hiếu. Nghi lễ này được tổ chức tại cung Trường Thọ - nơi Thái hậu sống.
Mời quý độc giả xem video: Năm 1950, người Việt đón tết như thế nào? (nguồn: Facebook/Hà Nội)
Từ ngày mùng 1 - 2 Tết, Vua ban yến cho hoàng tộc và các quan tướng. Sang đến ngày mùng 3 Tết, vua Nguyễn đi thăm thầy dạy học. Mùng 4 Tết sẽ cử hành lễ Triều minh - Vua đi tế lễ các đền miếu quốc gia.
Mùng 5 Tết, nhà vua tổ chức lễ Tịch điền. Theo đó, Vua đích thân cày ruộng và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân chăm lo cày cấy, quốc thái dân an… Cũng trong ngày hôm ấy, vua sẽ đi du xuân xem người dân ăn Tết như thế nào. Từ mùng 6 tết, Vua sẽ làm các lễ lễ Khai hạ (hạ nêu) vào ngày mồng 7 Tết, Lễ tế cờ...
Tâm Anh (TH)