Lương Sơn Bạc có 108 anh hùng, trong đó có 36 vị Thiên cương và 72 vị Địa sát, đứng đầu là thủ lĩnh Tống Giang và cuối cùng là "Kim Mao Khuyển" Đoàn Cảnh Trụ.
Trong các trận giao đấu, 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau nhưng xuất hiện nhiều nhất vẫn là Phác Đao.
Từ "Xích Phát Quỷ" Lưu Đường, "Cẩm Mao Hổ" Yến Thuận đến "Bạch Diện Lang Quân" Trịnh Thiên Thọ hay "Xuất Lâm Long" Trâu Uyên đều lấy Phác Đao làm vật bất ly thân. Đó là lý do, cụm từ "Phác Đao" xuất hiện hơn 200 lần trong Thủy Hử.
Nhờ ảnh hưởng của đại danh tác Thủy Hử, những loại vũ khí như Phác Đao không hề bị thất truyền trong lịch sử mà thay vào đó, chúng vẫn được nhìn thấy trong các màn biểu diễn võ thuật Trung Hoa cho đến ngày nay.
Vậy, Phác Đao là gì?
Phác Đao chính là Yển nguyệt đao - Binh khí lừng danh Tam Quốc
Phác Đao là loại vũ khí lạnh phổ biến thời Trung Quốc cổ đại. Các phiên bản phức tạp hơn của Phác Đao đôi khi còn được gọi là Quan đao hay Yển nguyệt đao. Binh khí làm nên tên tuổi của Quan Vân Trường chính là Thanh Long Yển Nguyệt đao, tổng chiều dài 195 cm.
|
Thnah long yến nguyệt đao là binh khi nổi tiếng của Hổ tướng Quan Vũ trong Tam Quốc diễn nghĩa.
|
Phác Đao gồm 3 phần: Lưỡi đao, cán cầm và vỏ đao, với tổng chiều dài là từ 60 cm đến 150 cm, trong đó riêng phần lưỡi đao dài 45 cm đến 70 cm.
Lưỡi đao có hình bán nguyệt hoặc hình thang, mũi nhọn, có cạnh sắc và sống đao dày; Đặc điểm khác biệt của Phác Đao so với các loại đao khác là phần cán cầm rất dài (thường lên đến hàng mét), làm bằng gỗ tốt hoặc kim loại. Ở phần cuối cán thường được bọc kim loại nhọn vừa để cân bằng trọng lượng với lưỡi đao, vừa để gây sát thương (phần này thường xuất hiện ở Yển nguyệt đao); Phần vỏ đao (tương tự như vỏ kiếm) được dùng để bảo vệ lưỡi đao khỏi hư hại và rỉ sét.
Tùy từng độ dài ngắn của lưỡi và cán đao mà Phác Đao có tên gọi khác nhau. Điểm đặc biệt nhất của Phác Đao chính là khả năng tháo rời và lắp ráp của nó.
Chương thứ 61 của Thủy Hử viết rằng, khi Lư Tuấn Nghĩa đến Sơn Đông để chuẩn bị cho trận chiến với các anh hùng Lương Sơn Bạc (lúc này Lư Tuấn Nghĩa chưa gia nhập Lương Sơn), danh tướng Tam kiệt Hà Bắc lấy ra một lưỡi dao gắn nó lên một cây gậy sắt, buộc chặt và thúc ngựa xông vào quân đối phương.
Mặc dù Phác Đao là vũ khí có thể lắp ráp nhưng khả năng sát thương của nó không hề tầm thường. Khi chỉ có lưỡi đao, nó được sử dụng như một đao ngắn, rất linh hoạt trong đánh "giáp lá cà". Khi có cán đao phụ trợ, nó sẽ trở thành thanh kiếm cán dài, có thể hạ sát địch thủ từ lưng ngựa.
Các anh hùng trong Thủy Hử yêu thích Phác Đao là vì nó có uy lực cực kỳ mạnh mẽ, thích hợp để cận chiến cũng như dễ mang theo và linh hoạt.
Một trong 5 anh hùng võ công "xuất quỷ nhập thần" của Thủy Hử là Quan Thắng không ngẫu nhiên mà được mệnh danh là "Đại Đao". Vũ khí làm nên tên tuổi và chiến tích bất bại của thủ lĩnh Ngũ hổ tướng Lương Sơn chính là Thanh Long đao.
Nhờ có Thanh Long đao có thể chém sắt như chém bùn, Quan Thắng (khi chưa tụ nghĩa Lương Sơn) có thể bất phân thắng bại với Lâm Xung, Tần Minh, Sách Siêu dù đấu trong hàng chục hiệp.
Sau khi gia nhập Lương Sơn, "hậu duệ của Quan Vũ" Quan Thắng có thể tự tin dùng đao giao đấu 20 hiệp với Thạch Bảo - Đại tướng của Phương Lạp và khiến y quay ngựa tháo chạy.
|
Đại Đạo Quan Thắng - Hậu duệ của Võ Thánh Quan Vũ.
|
"Thần Cơ Quân Sư" Chu Vũ (xếp thứ 37 trong 108 vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc) là người chuyên sử dụng song đao. Khi còn là thảo khấu ở núi Thiếu Hoa, Chu Vũ chỉ lấy đao làm vũ khí đã khiến dân làng gần đó không ai dám đến gần Thiếu Hoa sơn.
Còn với Lý Quỳ. Sau khi gia nhập Lương Sơn Bạc, vì nỗi nhớ cố hương và là người hiếu thuận mà Lý Quỳ đã chẳng quản ngại đường xa, vất vả cõng mẹ già lên núi, sống cùng các anh hùng hảo hán. Lúc đi lấy nước cho mẹ khi nghỉ ở dọc đường, mẹ Lý Quỳ đã bị bầy hổ đói tấn công. Tức giận, Lý Quỳ lấy Phác Đao giết trọn 4 con hổ, trả thù cho mẹ.
Là một loại vũ khí lạnh cổ xưa, Phác Đao cũng có ứng dụng rộng rãi và có địa vị quan trọng trong xã hội cổ đại.
Trong thời kỳ làm nông, phần lưỡi đao (có cán ngắn) đơn giản là một công cụ thiết thực được người nông dân sử dụng để chặt củi, cắt cỏ...
Đồng thời, nó cũng là một trong những "vũ khí" được người dân sử dụng để tự vệ. Vì vậy, Phác Đao đóng một vai trò quan trọng trong xã hội cổ đại và trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống và chiến đấu của con người.
Theo Trang Ly / Đời sống Pháp luật