100 nhà ngoại cảm thì có tới 99 là giả mạo
Những ngày gần đây, những đoạn clip ghi lại cảnh cô đồng T.H (Kinh Môn, Hải Dương) xem bói qua hình thức bổ cau đã gây xôn xao mạng xã hội. Mỗi lần bổ cau, cô đồng có thể nói vanh vách một việc nào đó, từ tình duyên, gia đạo, công việc làm ăn... Cách nói nhanh, “trấn át” kèm “câu chốt”: “đúng nhận sai cãi” khiến người xem bị “thao túng tâm lý”, dù bán tín bán nghi.
|
Hình ảnh ảnh cô đồng T.H (Kinh Môn, Hải Dương) xem bói qua hình thức bổ cau đã gây xôn xao mạng xã hội. |
Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng clip đầu tiên, tài khoản TikTok của cô đồng này đã có hơn 150.000 lượt theo dõi, nhiều clip hàng triệu lượt người xem. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện một số clip “ăn theo” với những nội dung hài hước, châm biếm những lời phán bói toán kiểu: “Số cô chẳng giàu thì nghèo, ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”. Điều đáng nói, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ tiền, thời gian để đi mua những lời phán này.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - UIA) cho hay, con người vốn có tính tò mò, rất muốn biết tương lai, quá khứ của mình ra sao, chuyện tình cảm, công danh, cuộc sống của mình sau này thế nào... Chính từ nhu cầu này, bói toán mới có “đất” để tồn tại.
“Việc xem bói xuất phát từ tính tò mò, xem nó ra sao. Mỗi một lần tò mò có thể ví như chơi xổ số, phải có hy vọng trúng thì mới bỏ tiền ra mua, dù thực tế trượt là chủ yếu”, ông Khanh nói.
Ông Khanh cho biết, trong dân gian, cũng có rất nhiều trò bói như bói Kiều, bói đũa, bói chén, tung đồng xu... Tuy nhiên, hầu hết chỉ mang tính giải trí, còn nhà ngoại cảm thực sự, có khả năng giao tiếp với thế giới tâm linh thì rất hiếm. Thay vào đó, là sự lợi dụng nhu cầu, niềm tin của người dân để trục lợi.
“Thực tế tôi thấy, thầy bói, nhà ngoại cảm “rởm” rất nhiều, có thể ví cứ 100 nhà ngoại cảm, thì có tới 99 là rởm”, ông Khanh khẳng định.
Ông Khanh cho hay, những người có học vấn, sự hiểu biết càng thấp thì càng dễ sa vào mê tín dị đoan. Tuy nhiên, nhiều người học vấn cao cũng vẫn “u mê”. Giải thích việc này, ông Khanh cho rằng, đôi khi là do tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chẳng hạn, việc đốt vàng mã là mê tín dị đoan, tuy nhiên, đã trở thành tập tục, không đốt lại không an tâm...
Để tránh mê tín dị đoan, và bị lợi dụng, người dân cần tỉnh táo, không nghe theo các lời đồn thổi. Khi cần được giúp đỡ, cần tới các tổ chức đã được nhà nước cho phép.
Mê tín dị đoan khiến người ta không còn tin vào thực tại
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về vụ việc cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" đang gây ồn ào, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, hiện tượng bói toán, lên đồng... đã tồn tại hàng nghìn năm qua.
Khi cuộc sống có những điều không giải thích được, có những “bấp bênh” như thiên tai, tai nạn... người ta tin rằng đã bị một thế lực siêu nhiên nào đó chi phối. Và người ta tìm đến bói toán, tâm linh để mong hóa giải nó.
Qua các clip được lan truyền, không rõ việc cô đồng nói liến thoắng với các câu đệm "đúng nhận sai cãi" có phải là một "thủ thuật" tâm lý để người nghe bị "thao túng", không phản ứng lại kịp hay không.
“Việc mê tín dị đoan xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào cuộc sống. Đây là điều rất đáng lo ngại”, PGS.TS Lê Quý Đức nói và cho biết, những hành vi quảng bá mê tín dị đoan, gây hoang mang... cần lên án, xử lý theo pháp luật.
Theo chuyên gia văn hóa, để hạn chế hiện tượng mê tín dị đoan, cần nâng cao dân trí, làm cho đời sống xã hội, kinh tế trở nên lành mạnh. Khi đó, có thể người ta sẽ giảm bớt đi những niềm tin chưa được chứng nghiệm.
Cùng với đó, cũng nên có những nghiên cứu khoa học về hiện tượng này, để có những đánh giá khách quan. Đối với người dân, cần cảnh giác, tránh bị lợi dụng, tin vào những điều “nhảm nhí”.
Sáng ngày 8/2, lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ thông tin cô đồng T.H. ở phường Hiến Thành bổ cau với câu nói "đúng nhận sai cãi" khi xem bói toán có biểu hiện hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
Theo lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn, trường hợp nếu có các vi phạm, Công an thị xã sẽ cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo các quy định của pháp luật.
Mời quý độc giả xem video: "Đúng nhận sai cãi là gì mà khiến "chao đảo" mạng xã hội TIKTOK?". Nguồn: Kiến thức.
Mai Nguyễn