Võ Tòng tay không đánh hổ trong Thủy Hử là chuyện bịa đặt?

Google News

Những tư liệu lịch sử được phát hiện cho thấy, Võ Tòng chưa từng đánh bất cứ con hổ nào.

Câu chuyện Võ Tòng đánh hổ được kể lại trong bộ tiểu thuyết Thủy Hử nổi tiếng của tác giả Thi Nại Am. Trong tiểu thuyết này, Võ Tòng vốn là người huyện Thanh Hà, Sơn Đông, là con thứ hai trong gia đình, do vậy còn được gọi là Võ Nhị. Cha mẹ mất sớm, Võ Tòng được người anh cả là Võ Trực (còn gọi là Võ Đại Lang) một tay nuôi nấng thành người.
Võ Tòng tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, lại giỏi võ công, thường xuyên hành hiệp trượng nghĩa. Nhờ việc tay không đánh chết hổ dữ trên đồi Cảnh Dương, Võ Tòng được huyện lệnh huyện Dương Cốc bổ nhiệm làm chức Đô đầu của nha môn huyện. 
Chị dâu Võ Tòng là Phan Kim Liên tư thông với một phú hộ trong huyện là Tây Môn Khánh, hại chết Võ Đại Lang. Sau khi biết được chân tướng sự việc, Võ Tòng đã giết chết cả Tây Môn Khánh lẫn Phan Kim Liên. Việc Võ Tòng giết người là vì trả thù cho anh, nhưng theo pháp luật vẫn phải chịu tội. Do vậy, Võ Tòng bị đày đi Mạnh Châu.
Trong thời gian bị lưu đày, Võ Tòng trải qua nhiều lần bị chèn ép, đày đọa nên quyết định bỏ trốn lên Lương Sơn Bạc, trở thành một trong 36 chòm sao Thiên Cang trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Sau đó Tống Giang quyết định nhận chiếu chiêu an của triều đình, mang quân viễn chinh Phương Lạp. Võ Tòng không phục, chặt một cánh tay không chịu về triều. Võ Tòng sau này xuất gia ở Lục Hợp Tháp tại Hàng Châu, sống cuộc đời thong dong tự tại của một tăng nhân.
Cuộc khởi nghĩa của Tống Giang được nhắc tới trong tiểu thuyết của Thi Nại Am xác thực là đã xảy ra trong lịch sử. Các anh hùng Lương Sơn Bạc nhiều người cũng là những nhân vật có thực, dù không hẳn tham gia cuộc khởi nghĩa của Tống Giang. Võ Tòng cũng không là ngoại lệ.
Theo các tài liệu còn lưu lại tới ngày nay, Võ Tòng là một nhân vật hoàn toàn có thực. Tuy nhiên, không có bất cứ tài liệu nào nói rằng Võ Tòng đã tay không đánh hổ trên đồi Cảnh Dương như người ta vẫn lưu truyền. Vậy rốt cuộc, câu chuyện tay không đánh hổ của Võ Tòng từ đâu mà có?
Một trong những tài liệu sớm nhất về sự kiện Tống Giang nổi loạn còn được lưu truyền cho tới ngày nay là Đông Đô sách lược. Trong cuốn sách này có nói rằng, Tống Giang cùng 36 người tụ tập làm loạn: “Giang cùng 36 người hoành hành ở vùng Hà Sóc, Đông Kinh. Quan quân hàng vạn người nhưng không thể tiêu diệt được quân của Giang”. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách này lại không đề cập tới 36 người theo Tống Giang cụ thể là những ai.
Vo Tong tay khong danh ho trong Thuy Hu la chuyen bia dat?
Tranh vẽ tích Võ Tòng đánh hổ. 
Tài liệu đầu tiên đề cập tới 36 người này là cuốn Tống Giang Tam thập lục nhân tán (Ca ngợi 36 người của Tống Giang). Trong cuốn sách này, tác giả đã nhắc tới tên Võ Tòng đồng thời “ca ngợi” Võ Tòng là một người đã xuất gia thụ giới song chẳng tuân thủ giới luật nào cả; từ tửu sắc tới tiền bạc, chẳng có giới luật nào mà Võ Tòng không dám phạm. Ngay cả việc giết người, Võ Tòng cũng coi như chuyện cơm ăn nước uống.
Tuy nhiên, tất cả thông tin về Võ Tòng trong tài liệu này chỉ có vậy. Tác giả không cung cấp thêm bất cứ thông tin nào khác ngoài những bình luận nói trên. Tới cuối đời Tống, một cuốn sách có tên là Tuyên Hòa di sự đề cập khá chi tiết tới cuộc nổi loạn của Tống Giang. Cuốn sách này viết từ chuyện Dương Chí bán gươm tới chuyện Cửu Thiên Huyền Nữ nhận thiên thư cho đến chuyện Tống Giang cùng 108 anh hùng nổi loạn, cuối cùng nhận chiêu an của triều đình đi đánh dẹp Phương Lạp. Nội dung câu chuyện tương tự như những gì đã được viết trong Thủy Hử sau này.
Có thể thấy, tác giả của Thủy Hử đã sáng tác tiểu thuyết của mình dựa trên cơ sở những gì đã được viết trong cuốn sách này. Theo cuốn sách này thì Võ Tòng xếp thứ 30 trong số 36 người theo Tống Giang ở Lương Sơn Bạc, được coi là một trong những thủ lĩnh của cuộc nổi loạn này. Tuyên Hòa di sự cũng không nói rõ về câu chuyện của Võ Tòng trước khi lên Lương Sơn Bạc theo Tống Giang. Tuy nhiên, điều đó cũng đủ chứng minh rằng, Võ Tòng được xác thực là một nhân vật tồn tại trong lịch sử.
Những tài liệu ghi chép về câu chuyện của Võ Tòng được tìm thấy tới nay phổ biến ở vùng Hàng Châu. Trong những cuốn sách như Chiết giang chí, Hàng Châu phủ chí hay Lâm An huyện chí đều có thể tìm thấy những ghi chép liên quan tới cuộc đời của Võ Tòng. Điều đáng nói là câu chuyện của Võ Tòng được nhắc tới trong các tài liệu này khác khá nhiều so với những gì được kể trong tiểu thuyết Thủy Hử.
Theo đó, Võ Tòng vốn là người làm nghề mãi võ, phiêu lãng giang hồ, nay đây mai đó. Lần đó, Võ Tòng tới Hàng Châu mãi võ mưu sinh, ngẫu nhiên gặp được quan tri phủ của Hàng Châu là Cao Quyền. Họ Cao thấy Võ Tòng võ nghệ hơn người thì rất khâm phục, mời Võ Tòng về làm chức Bổ khoái Hàng Châu. Sau đó, nhờ lập công lớn nên Võ Tòng được thăng chức lên làm đề hạt, rất được Cao Quyền yêu mến.
Không lâu sau đó, do Cao Quyền đắc tội với các nhà quyền quý ở Hàng Châu nên bị bãi quan. Vốn là tâm phúc của Cao Quyền nên Võ Tòng bị cách chức, đuổi về làm một chức quan nhỏ trong nha môn của tri phủ. Quan phủ Hàng Châu mới được bổ nhiệm là Thái Cùng, con trai của Thái sư Thái Kinh ở kinh đô. Dựa vào thế lực cha mình, Thái Cùng làm đủ chuyện càn quấy, ức hiếp dân lành, do vậy, người đương thời vẫn gọi Thái Cùng là Thái Hổ.
Vốn là người nghĩa hiệp, nhìn thấy cảnh tượng Thái Cùng ức hiếp dân lành, Võ Tòng quyết định giết chết Thái Cùng để trừ họa. Hôm đó, Võ Tòng nấp ở bên ngoài cửa nhà họ Thái, đợi khi Thái Cùng vừa ra ngoài cửa thì lập tức xông ra giết chết. Thái Cùng chết ngay tại chỗ nhưng Võ Tòng cũng bị lính của nha môn bao vây. Sau đó, Võ Tòng bị Thái Kinh sai người dùng cực hình giết chết trong nhà lao.
Người dân Hàng Châu cảm kích hành động anh hùng vì dân của Võ Tòng nên đã mang xác Võ Tòng về chôn tại cầu Tay Lãnh rồi lập một tấm bia đá bên trên ghi dòng chữ “Mộ của nghĩa sĩ đời Tống Võ Tòng” để tưởng nhớ người anh hùng họ Võ.
Nhiều người cho rằng, do khi còn sống, Thái Cùng có biệt hiệu là Thái Hổ nên khi Võ Tòng giết chết Thái Cùng để trừ hại cho dân, người ta mới ca ngợi Võ Tòng đã “đánh hổ”. Nói cách khác, câu chuyện Võ Tòng tay không đánh chết hổ thực chất chỉ là câu chuyện được tác giả của Thủy Hử hư cấu từ việc Võ Tòng giết chết Thái Cùng mà thôi.
Theo P.V /Hôn nhân & Pháp luật