Võ Tòng xuất thân từ huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông. Từ nhỏ mồ côi cha mẹ và được anh ruột là Võ Đại Lang nuôi dạy. Ông là người tráng kiện, oai hùng, mắt sáng như sao, mày ngài, ngực rộng, cơ bắp cuồn cuộn, cao 8 trượng. Từ nhỏ Võ Tòng đã mê luyện võ thuật, sư phụ ông là Châu Đồng, một vị đại sư Thiếu Lâm tự. Lớn lên ông có võ nghệ cao cường, thường hay uống rượu, thích hành hiệp trượng nghĩa, nổi tiếng là con người nghĩa khí.
Võ Tòng đả hổ
Trong dân gian, nhắc đến Võ Tòng là người ta nghĩ đến 1 nhân vật dũng mãnh, cũng vì câu chuyện "Võ Tòng đả hổ" (Võ Tòng đánh hổ) nổi tiếng:
Trên đường về quê thăm anh, khi đi ngang qua huyện Dương Cốc (nay là thành phố Liễu thành), ông ghé vào một tửu quán, bên ngoài ghi là "Uống 3 chén không nên qua đồi". Võ Tòng là một người mê rượu, thấy dòng chữ này rất khó chịu, hỏi tại sao thì chủ quán kể có chuyện con hổ thành tinh chuyên ăn thịt người trên đồi Cảnh Dương, ai uống quá say không nên đi qua đó. Võ Tòng nghe vậy rất phẫn nộ, uống một mạch hết rượu trong quán.
Chiều hôm đó, ông đang trong cơn say, một mình cầm gậy lên đồi tìm Hổ. Sớm hôm sau gặp Hổ, ông cầm gậy vờn với mãnh thú tới tối. Đến lúc trời chạng vạng sáng, sau khi dùng nhiều mưu kế mà không được, ông vứt gậy, một tay nhận đầu hổ xuống đất, một tay đấm, con hổ bể đầu chết tươi.
Nhờ chuyện này Võ Tòng được huyện lệnh của vùng phong chức Đô đầu.
Tuy nhiên theo những tài liệu ghi chép về câu chuyện của Võ Tòng được tìm thấy tới nay phổ biến ở vùng Hàng Châu. Trong những cuốn sách như Chiết giang chí, Hàng Châu phủ chí hay Lâm An huyện chí đều có thể tìm thấy những ghi chép liên quan tới cuộc đời của Võ Tòng. Điều đáng nói là câu chuyện của Võ Tòng được nhắc tới trong các tài liệu này khác khá nhiều so với những gì được kể trong tiểu thuyết Thủy Hử.
Theo đó, Võ Tòng vốn là người làm nghề mãi võ, phiêu lãng giang hồ, nay đây mai đó. Lần đó, Võ Tòng tới Hàng Châu mãi võ mưu sinh, ngẫu nhiên gặp được quan tri phủ của Hàng Châu là Cao Quyền. Họ Cao thấy Võ Tòng võ nghệ hơn người thì rất khâm phục, mời Võ Tòng về làm chức Bổ khoái Hàng Châu. Sau đó, nhờ lập công lớn nên Võ Tòng được thăng chức lên làm đề hạt, rất được Cao Quyền yêu mến.
Không lâu sau đó, do Cao Quyền đắc tội với các nhà quyền quý ở Hàng Châu nên bị bãi quan. Vốn là tâm phúc của Cao Quyền nên Võ Tòng bị cách chức, đuổi về làm một chức quan nhỏ trong nha môn của tri phủ. Quan phủ Hàng Châu mới được bổ nhiệm là Thái Cùng, con trai của Thái sư Thái Kinh ở kinh đô. Dựa vào thế lực cha mình, Thái Cùng làm đủ chuyện càn quấy, ức hiếp dân lành, do vậy, người đương thời vẫn gọi Thái Cùng là Thái Hổ.
Vốn là người nghĩa hiệp, nhìn thấy cảnh tượng Thái Cùng ức hiếp dân lành, Võ Tòng quyết định giết chết Thái Cùng để trừ họa. Hôm đó, Võ Tòng nấp ở bên ngoài cửa nhà họ Thái, đợi khi Thái Cùng vừa ra ngoài cửa thì lập tức xông ra giết chết. Thái Cùng chết ngay tại chỗ nhưng Võ Tòng cũng bị lính của nha môn bao vây. Sau đó, Võ Tòng bị Thái Kinh sai người dùng cực hình giết chết trong nhà lao.
Người dân Hàng Châu cảm kích hành động anh hùng vì dân của Võ Tòng nên đã mang xác Võ Tòng về chôn tại cầu Tay Lãnh rồi lập một tấm bia đá bên trên ghi dòng chữ “Mộ của nghĩa sĩ đời Tống Võ Tòng” để tưởng nhớ người anh hùng họ Võ.
Nhiều người cho rằng, do khi còn sống, Thái Cùng có biệt hiệu là Thái Hổ nên khi Võ Tòng giết chết Thái Cùng để trừ hại cho dân, người ta mới ca ngợi Võ Tòng đã “đánh hổ”. Nói cách khác, câu chuyện Võ Tòng tay không đánh chết hổ thực chất chỉ là câu chuyện được tác giả của Thủy Hử hư cấu từ việc Võ Tòng giết chết Thái Cùng mà thôi.
Võ Tòng giết chị dâu
Võ Tòng còn nổi tiếng nghĩa hiệp với câu chuyện "Võ Tòng sát tẩu" {Võ Tòng giết chị dâu} sau đây:
Anh trai Võ Tòng tên Võ Đại Lang làm nghề bán bánh hấp, là người lùn, dung mạo xấu xí nhưng có vợ là Phan Kim Liên rất đẹp nhưng cũng rất đa tình. Nhân dịp Võ Tòng về thăm anh, Phan Kim Liên thấy hình dung tuấn kiệt, mấy lần đòi tư thông với Võ Tòng nhưng đều bị cự tuyệt.
Sau đó Võ Tòng có việc phải đi xa, Phan Kim Liên ở nhà lựa lúc Võ Đại Lang đi bán bánh, tư thông với tên nhà giàu Tây Môn Khánh. Việc bị Võ Đại Lang phát hiện, hai người bày mưu rồi giết hại Võ Đại Lang. Vài ngày sau khi Võ Đại Lang chết, Võ Tòng quay về, nghe tin dữ liền đi báo quan. Nhưng quan sợ uy thế của Tây Môn Khánh, không dám xử. Thế là Võ Tòng, trước tiên tìm tới nhà giết chết Tây Môn Khánh cho hả giận, rồi mới tự mình đi tìm chứng cứ điều tra. Cuối cùng dưới sự chứng kiến của 3 người hàng xóm, ông ép Phan Kim Liên khai nhận tội rồi mổ bụng, cắt đầu ả, đem ruột và đầu lên tế vong linh anh trai mình.
Sau vụ này, Võ Tòng bị khép tội giết người, trên đường đi lưu đày ông kết nghĩa với Trương Thanh và Tôn Nhị Nương. Khi đến nhà tù Mạnh Châu, được Thi Ân chiếu cố, ông giúp y đánh bại Tưởng Trung để lấy lại nơi làm ăn đã bị cướp từ tay hắn. Sau đó Tưởng Trung và Trương Đoàn Luyện câu kết với Trương Đô Giám vu cho ông tội ăn cắp, trên đường đi đày đồ đệ của Tưởng Trung và hai tên nha sai có âm mưu hại ông, ông giết bọn chúng rồi quay về nhà Trương Đô Giám báo thù. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của Trương Thanh và Tôn Nhị Nương, ông cải trang thành một hành giả lên núi Nhị Long gia nhập hội hảo hán của Lỗ Trí Thâm, sau khi Lương Sơn Bạc thu nhận Hô Duyên Chước, ông cùng hội hảo hán núi Nhị Long cũng gia nhập Lương Sơn Bạc.
Đánh Phương Lạp
Trong lúc đánh Mục Châu, khi giao chiến, ông bị Bao Đạo Ất chặt đứt cánh tay trái, may được Lỗ Trí Thâm cứu thoát. Khi đánh thắng Phương Lạp trở về, Võ Tòng xuất gia tại Lục Hoà tháp tại Hàng Châu, thọ đến 80 tuổi mới mất.
Theo Nguyen Thuy Quynh/Khỏe & Đẹp